Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành lúa gạo còn một số hạn chế như sản xuất chưa theo quy hoạch dẫn đến dư thừa cục bộ ảnh hưởng đến người sản xuất; thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp, đời sống của một số bộ phận còn khó khăn.
Xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, chưa đa dạng hóa thị trường gây ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, khó khăn trong quá trình giao dịch. Mặc dù đã có thương hiệu gạo nhưng chưa sử dụng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; chưa tạo được thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam trong lòng người tiêu dùng nước ngoài.
Để hướng đến mục tiêu đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa…, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương có ý tưởng và thống nhất cao việc đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cùng đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Hội đồng này sẽ đóng vai trò như một diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân cùng nhau bàn bạc, thống nhất đưa ra những quyết sách quan trọng liên quan đến ngành lúa gạo tại những thời điểm và tình huống khác nhau; nâng cao được vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành lúa gạo không chỉ đóng vai trò vai trò nòng cốt đối với an ninh lương thực quốc gia mà còn là ngành có tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, cũng là ngành góp phần làm nên thương hiệu Việt Nam.
Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, các khuyến nghị tại hội thảo, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Theo TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), tại các nước có các ngành hàng xuất khẩu chiến lược quy mô quốc gia và quốc tế như ngành cọ dầu ở Malaysia, ngành cà phê ở Brazil, ngành lúa gạo ở Thái Lan… bên cạnh các tổ chức của người sản xuất kinh doanh (các hiệp hội, nghiệp đoàn, liên hiệp hợp tác xã) còn có mô hình "Hội đồng ngành hàng" hay "Ban điều phối ngành hàng" ở cấp quốc gia.
Đây là thể chế có sự gắn kết giữa các cơ quan, bộ ngành của Nhà nước với các tổ chức đại diện cho các tác nhân trong chuỗi giá trị (nông dân, người chế biến, người kinh doanh) và giữa các địa phương tham gia sản xuất.
Do vậy, Hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia là thiết chế thích hợp. Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.
Trong đó, Hội đồng nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường cho ngành lúa gạo. Hội đồng cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để thu thập thông tin, phân tích đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành hàng lúa gạo…