Gần đây, thông tin về việc Bộ Giáo dục Trung Quốc đề xuất tăng các tiết học thể dục để "rèn nam tính", "giảm nữ tính hóa" ở nam sinh đã gợi lại ký ức đau buồn thời niên thiếu của Lyu Yang, 36 tuổi.
Lyu Yang là kỹ sư máy tính ở Thượng Hải, Trung Quốc. Khi còn học trung học ở Côn Minh, anh từng bị bạn bè lôi ra làm trò đùa chỉ vì bản thân không "nam tính" như những cậu bạn khác.
Kết quả, trong một lần bị cả lớp trêu đùa, Lyu Yang chấn thương, phải nghỉ học một tuần. Sau đó, Lyu phải miễn cưỡng tham gia các hoạt động thể tao tập thể. Nhưng anh luôn cảm thấy khó khăn khi tụ tập theo đám đông.
"Đề xuất gần đây của Bộ nhắc tôi về lý do khiến tôi bị chấn thương, tôi không được "nam tính" như trong quan niệm của mọi người", Lyu buồn bã, nói với China Daily.
Bộ Giáo dục Trung Quốc đề xuất tăng tiết học thể dục để "rèn nam tính" cho nam sinh. (Ảnh: China Daily)
Một nghiên cứu năm 2014 về định kiến giới ở Trung Quốc của William Jankowiak, giáo sư Nhân chủng học tại Đại học Nevada (Mỹ), chỉ ra một số cụm từ phổ biến để mô tả nam giới và nữ giới không thay đổi trong suốt 30 năm, kể từ năm 1980.
Cụ thể, nam giới được mô tả là những người mạnh mẽ, hung hăng, thô lỗ và nghiêm túc. Trong khi đó, nữ giới có những điểm chung như dịu dàng, ít nói, bẽn lẽn.
Hiện nay, sức hút của các ngôi sao, người nổi tiếng đã đặt ra "thách thức" cho những khái niệm về nam và nữ tại quốc gia này.
Trong phiên họp thường niên năm 2020, cố vấn Si Zefu, thành viên Ủy ban Toàn quốc lần thứ 13 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, bày tỏ lo ngại về xu hướng "nữ tính hóa" ở các nam thiếu niên. Ông nhận định nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng "yếu đuối, rụt rè, lòng tự tôn không cao".
"Nếu không được điều chỉnh, xu hướng "nữ tính hóa" ở thanh thiếu niên sẽ gây hại cho sự phát triển của Trung Quốc. Tôi đề nghị các trường học cần ra tay để đảm bảo các nam thanh, thiếu niên nhận được nền giáo dục cân bằng", ông nhấn mạnh.
Đáp lại lời đề nghị của Si Zefu, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đưa ra đề xuất nhằm ngăn chặn vấn đề này. Cụ thể, các cơ sở giáo dục địa phương được yêu cầu tăng số lượng giáo viên thể dục và điều chỉnh các tiết học giáo dục thể chất để "trau dồi sự nam tính" cho các nam sinh nhỏ tuổi.
Ngoài ra, trường học được yêu cầu đánh giá cường độ của các bài tập và phát triển thêm các môn thể thao mang tính đồng đội như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền.
Đề xuất của Bộ Giáo dục Trung Quốc gây ra cuộc tranh cãi lớn trên mạng xã hội. Một số người ủng hộ, cho rằng các nam sinh bị "nữ tính hóa" do ảnh hưởng của các thần tượng là các chàng trai trẻ có ngoại hình ưa nhìn, trắng trẻo, tươi mới.
Một số khác chỉ trích, cho rằng Bộ Giáo dục đang thể hiện quan điểm phân biệt giới tính. "Đề xuất đang chống lại sự đa dạng của xã hội. Hơn nữa, "nữ tính hóa" là một từ mang hàm nghĩa tiêu cực", một người bình luận.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Science Magazine năm 2017, định kiến giới có thể ảnh hưởng đến sở thích và quan niệm của trẻ em. Đặc biệt, những định kiến này không khuyến khích nữ giới theo đuổi một số lĩnh vực nhất định như Vật lý, Triết học.
Zhang Yaohua, nhà sáng lập nền tảng giáo dục giới tính You & Me, khẳng định những định kiến về giới tính có thể ảnh hưởng con người trong thời gian dài, thậm chí tác động tiêu cực đến thái độ của họ với hôn nhân và thế hệ con cháu.
"Hơn nữa, nhiều vụ bắt nạt học đường liên quan chặt chẽ đến vấn đề này", Zhang nêu.
Theo quan niệm của nhiều người, nam giới phải mạnh mẽ, dũng cảm, kiên định. Ảnh: China Daily.
Theo báo cáo của một số tổ chức phi chính phủ về bạo lực học đường tại Trung Quốc, nhiều học sinh trung học bị bắt nạt vì không thể đáp ứng kỳ vọng chung về những "khái niệm giới tính" do xã hội đặt ra.
Liu Wenli, phó giáo sư Giáo dục tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nhận định cha mẹ, thầy cô và phương tiện truyền thông đại chúng là những yếu tố ảnh hưởng đến sự hiểu biết của trẻ về vấn đề giới tính.
Nếu áp đặt trẻ vào những "khuôn mẫu giới tính" cụ thể, họ có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực, không chỉ riêng bé trai mà cả những bé gái.
Ví dụ, khi được gán cho cái mác mạnh mẽ, dũng cảm, các bé trai sẽ sợ bộc lộ sự sợ hãi hoặc điểm yếu của bản thân. Ngược lại, khi những bé gái sống trong xã hội đánh giá thấp về thành tích học và công việc của phụ nữ, các em sẽ không có động lực để cố gắng cải thiện cuộc sống của mình.
Ngoài ra, định kiến giới ảnh hưởng đến cách trẻ em đánh giá bản thân và người khác. Các em có thể đánh mất cơ hội của bản thân vì những ảnh hưởng tiêu cực từ người lớn.
Để giảm bớt ảnh hưởng của định kiến giới, bà Liu khuyên các phụ huynh nên quan tâm nhiều hơn đến giáo dục mầm non, chủ động giáo dục giới tính sớm cho trẻ. Đồng thời, cha mẹ nên khuyến khích trẻ là chính mình, không nên để những định kiến của xã hội ngăn cản tương lai và tiềm năng của bản thân.
"Giao tiếp giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng. Mọi người nên khuyến khích trẻ giao tiếp với những người bạn mới để hiểu hơn về sự khác biệt của mỗi cá nhân", phó giáo sư nói.
Cui Le, nghiên cứu sinh tiến sĩ về giới tính và giáo dục tại Đại học Auckland (New Zealand), nhận thấy Bộ Giáo dục Trung Quốc đang dựa vào định kiến giới để đưa ra đề xuất mới trong giáo dục.
"Nếu chính sách được áp dụng, nó có thể thúc đẩy nạn bạo lực và bắt nạt học đường, đồng thời khiến học sinh có những định kiến sai lầm về giới tính", Cui nói.
Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, khẳng định hệ thống giáo dục hiện đại của Trung Quốc đang chú trọng quá nhiều vào điểm số, học sinh ít được người lớn khen ngợi, khuyến khích.
Kết quả, một số em có xu hướng kìm nén bản thân, sẵn sàng "phục tùng", tuân theo mọi sắp đặt của người khác.
Ông Chu đề nghị cần cải cách hệ thống đánh giá giáo dục, để học sinh được tự do thể hiện cá tính riêng và sống là chính mình.
Xiao Jing, trợ giảng Tâm lý học lâm sàng tại Đại học Thủ Đô ở Bắc Kinh, cho rằng những đặc điểm "nam tính" có thể phù hợp với nam giới và nữ giới, ai cũng có quyền được thể hiện sự tự tin, tự lập và dũng cảm. Con gái có thể mạnh mẽ, độc lập, con trai cũng có quyền thể hiện tình yêu thương và sự kiên nhẫn.
"Tôi tin rằng điều quan trọng là cung cấp cho trẻ nền tảng về giáo dục giới tính khi còn nhỏ. Điều này sẽ giúp trẻ có ý thức về các vấn đề giới tính, tránh gặp phải tình trạng định kiến giới", Zhu Yongxin, thành viên Ủy ban Toàn quốc lần thứ 13 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đề xuất.