Trước đề xuất quản lý giờ làm thêm của sinh viên, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, vấn đề này rất khó thực hiện, bởi đó là lợi ích và nhu cầu chính đáng của mỗi người. Trước khi đề xuất cần phải xem lại có vi phạm vào luật nào hay không?
"Hiện nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn chăm chỉ học tập, và tranh thủ thời gian rảnh để chạy thêm xe ôm công nghệ hoặc làm những công việc khác kiếm tiền.
Tôi cho rằng nên ủng hộ các em sinh viên tích cực lao động bằng chính sức của mình, chỉ cần các em không làm những chuyện phạm pháp, buôn gian, bán lậu. Tuy nhiên, các em vẫn phải ưu tiên cho học tập, không vì công việc mà bỏ bê học hành để kết quả không tốt" - tiến sĩ Vĩnh nói.
Tại các nước trên thế giới, sinh viên vẫn được đi làm thêm nhưng quy định trong một tuần được làm bao nhiêu giờ vì liên quan đến một số chính sách, nếu làm quá số giờ sẽ mất công việc của người khác. Luật không có quy định cấm hay quản lý việc làm thêm của sinh viên.
Sinh viên thường chọn việc chạy xe ôm công nghệ để làm thêm. (Ảnh: Báo Thanh niên)
Bên cạnh đó, theo ông Vinh, việc giảm giờ làm thêm của sinh viên cũng cần nghiên cứu kỹ, phải có đánh giá cụ thể dựa trên các tiêu chí như ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao, hay kết quả học tập giảm sút thế nào.
"Chẳng hạn trong 100 sinh viên có khoảng 80 em vất vả trong mùa thi do đi làm thêm bị ảnh hưởng. Từ đó có thể nghiên cứu số liệu cụ thể về việc sinh viên đi làm vất vả, mệt mỏi trong các mùa thi để đánh giá" - vị tiến sĩ phân tích.
Ông Vinh thẳng thắn cho rằng đề xuất trên không khả thi vì vi phạm nhân quyền của người khác. Hiện còn rất nhiều sinh viên ở vùng nông thôn phải kiếm từng đồng để trang trải cuộc sống và bám trụ được để đi học. Trong khi đó, theo xu hướng giáo dục tự chủ thì học phí lại ngày càng tăng.
"Bản thân tôi khi du học ở Úc trước đây phải làm việc rất vất vả để có tiền trang trải cuộc sống. Trường tôi cũng có thông báo tuyển người làm thêm dành cho cho các sinh viên đang có nhu cầu. Vậy tại sao các trường đại học ở Việt Nam lại không làm như vậy?" - ông Vinh chia sẻ.
Về ý kiến sinh viên làm tài xế công nghệ nhiều giờ mỗi ngày ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập, ông Vinh bày tỏ đây là công việc mang tính thị trường bởi sinh viên có thể làm thêm lúc rảnh và không gò bó về thời gian.
Đa số các sinh viên chọn làm tài xế công nghệ đều là nam, còn nữ sinh thường làm những công việc phục vụ nhà hàng, quán ăn... Với các xe ôm công nghệ thì sinh viên phải đánh đổi, khi đối mặt với các rủi ro trên đường như trộm cướp hay tai nạn giao thông. Tuy nhiên, các sinh viên là những người trưởng thành nên phải tự lo cho công việc cũng như bản thân mình.
Theo tiến sĩ Vinh, nhà trường nên đưa ra khuyến cáo về những công việc mang tính rủi ro cao để sinh viên hạn chế. Đồng thời, trường cũng nên tạo ra các công việc làm thêm trong trường, giúp các em tham gia nhóm nghiên cứu, kêu gọi khởi nhiệp.
Muốn làm được điều đó, trường phải tổ chức đa dạng hóa các hoạt động cho sinh viên tham gia làm thêm để có thêm thu nhập giúp đỡ phần nào cho việc học tập.
Bên cạnh đó, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp cho hay, nếu cần thiết phải quản lý giờ làm thêm của sinh viên thì đề nghị nhà trường phải ra những quy định nghiêm ngặt trong việc học tập. Nhưng nhà trường phải tạo điều kiện hỗ trợ cho các sinh viên nghèo vay vốn, tạo việc làm trong trường.
"Bản thân tôi không khuyến khích các em đi làm thêm nhưng nhiều sinh viên có hoàn cảnh rất khó khăn. Mình không thể cho được người ta cái gì thì cũng nên tạo điều kiện cho các em đi làm, miễn sao không vi phạm pháp luật.
Đặc biệt tôi thấy đoàn thanh niên của trường nên có những phong trào khởi nghiệp chứ đừng phí thời gian tổ chức những phong trào không ý nghĩa" - ông Vinh nói.