Sáng 26/5, tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội nêu trên.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất 44 cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa thuộc 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực khác nhau. Thời gian thực hiện là 5 năm kể từ ngày ban hành nghị quyết. Cụ thể gồm: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM; tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.
Trong các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa (gồm 27 cơ chế chính sách), Chính phủ đề xuất cho TP.HCM được dùng nguồn tăng thu ngân sách địa phương để chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.
"Cho phép sử dụng các mái nhà đảm bảo các điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở. Phần điện còn thừa do không sử dụng hết thực hiện theo quy định pháp luật về điện lực", một trong những đề xuất đáng chú ý của Chính phủ.
Chính phủ cũng đề xuất cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; tín chỉ carbon được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách thành phố hưởng 100%.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông.
Liên quan đến quy định số lượng cấp phó của UBND thành phố và UBND phường, xã, thị trấn, TP.HCM được trao quyền chủ động nhưng phải bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.
Thành phố được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh đánh giá dự thảo nghị quyết mới đã bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54 năm 2017, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc, các cơ chế cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra.
"Tuyệt đối không lợi dụng xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm", ông Lê Quang Mạnh nói.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cho rằng, chính sách mới cần "mang tính đột phá", "vượt trội", song cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải; tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí.
Các chính sách mới cũng cần thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu, rộng không chỉ đối với thành phố mà cần mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng miền và đất nước, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cũng lưu ý, đi đôi với tăng cường phân cấp, phân quyền cần đề cao trách nhiệm, song cũng rất cần một cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Ông Lê Quang Mạnh cho biết, hiện nay, Bộ Nội vụ được giao xây dựng Đề án triển khai thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chọn TP.HCM làm thí điểm.