Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Thí điểm cơ chế đặc thù phải rõ thời gian, có kiểm soát

(VTC News) -

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM phải có không gian, thời gian, địa điểm cụ thể, đồng thời phải có kiểm soát, quản lý.

Tiếp tục phiên họp thứ 23, chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương TP.HCM và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tâm huyết, tìm tòi, nghiên cứu thực tiễn đưa ra đề xuất chính sách thí điểm dày dặn, khá toàn diện, kì vọng sẽ tạo được những cú hích về những đột phá phát triển cho thành phố. 

"Thí điểm chính sách đặc thù sẽ khác với luật định ở chỗ phải có không gian, thời gian, địa điểm cụ thể, thử nghiệm phải có kiểm soát, có quản lý. Do đó các cơ quan tiếp tục nghiên cứu với tinh thần trên để hoàn thiện", Chủ tịch Quốc hội lưu ý và đề nghị trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, các cơ quan tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu để trình Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách có thẩm tra chính thức. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Về các chính sách cụ thể, ông Vương Đình Huệ cho biết, đối với chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 54 cơ bản đã có đầy đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cả điều kiện thực tiễn áp dụng cho cả TP.HCM. Đối với những chính sách mới, chưa có trong Nghị quyết số 54, Quốc hội đã cho phép áp dụng ở một số địa phương và cơ bản nhận được sự thống nhất cao.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, còn khoảng 6 chính sách dự kiến sẽ quy định trong các luật sửa đổi tới đây thì đề xuất cho TP.HCM áp dụng trước.

"Quá trình thành phố tổ chức thực hiện cũng là cơ sở thực tiễn để khi Chính phủ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành có mô hình, có mẫu để đánh giá, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Do đó đề nghị tiếp tục rà soát, biên tập để bảo đảm tính tương thích", ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại cuộc họp mới đây, đa số ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với việc cần mở rộng phạm vi áp dụng PPP hơn so với nội dung đề xuất, không chỉ là lĩnh vực thể thao mà có thể văn hóa, y tế. Tức là những gì luật không quy định nhưng thành phố thấy cần thiết thì có thể mở rộng. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không cần thiết phải quy định tổng mức đầu tư mà phân cấp cho thành phố chủ động trong thực hiện. 

Về triển khai BOT trên đường hiện hữu, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với dự thảo, đồng thời đề nghị Chính phủ và cơ quan thẩm tra nghiên cứu có thêm quy định có tính chất như "van, khóa", quy định về điều kiện, thủ tục thực hiện để hài hòa lợi ích của Nhà nước về người dân và chủ đầu tư. 

Liên quan đến ý kiến đề xuất mạnh dạn nghiên cứu để chuyển Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) thành một Quỹ đầu tư của chính quyền địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu tính toán thêm.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, nếu dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được thông qua, thành phố sẽ cần chuẩn bị rất nhiều điều kiện để có thể đáp ứng được việc triển khai Nghị quyết này trong thực tế.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

"Thành phố sẽ phải có kế hoạch giám sát, kế hoạch củng cố bộ máy nhân lực… để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện. Về các vấn đề này UBND thành phố cũng đã phân công cơ quan phụ trách", ông Phan Văn Mãi cho hay.

Nêu rõ TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan có liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trong thời gian sớm nhất, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn dự thảo Nghị quyết sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo và có thể được thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, cần rà soát để đảm bảo các chính sách không trái với Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế, để phát triển kinh tế gắn liền với giữ vững quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, cần rà soát, nghiên cứu để tránh trùng lặp giữa các chính sách, đảm bảo các chính sách phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, trường hợp khác với đường lối cần báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền. 

"Đồng thời, cần báo cáo rõ mô hình, hiệu quả hoạt động của các công ty đầu tư tài chính, cân nhắc nghiên cứu mô hình chuyển thành quỹ đầu tư phát triển thành phố, đánh giá kỹ tác động để đảm bảo công khai, minh bạch, hợp lý", ông Nguyễn Đức Hải nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Đối với các cơ chế chính sách đã có trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần đánh giá kỹ giữa các cơ quan, không để chồng chéo, mâu thuẫn, cân nhắc kỹ tác động một cách đầy đủ, toàn diện. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Ủy ban Tài chính Ngân sách cần họp toàn thể để thẩm tra nội dung này. Với các nội dung nhất định, Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo Bộ Chính trị để xem xét, cho ý kiến.

Anh Văn

Tin mới