Trước nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất Bộ GD&ĐT cần sớm thảo quy chế thống nhất cách xưng hô trong nhà trường, trong đó giáo viên không nên xưng hô với học trò là “con”, “các con”, mà thay vào đó phải gọi là “trò”, “các trò”, “các em”, “các bạn”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân lên tiếng giải thích.
Trả lời PV VTC News, ông Ân cho biết, ông đề xuất như vậy là bởi ba lý do.
Thứ nhất, cách gọi học sinh là "con" không phù hợp bối cảnh hiện này. Học sinh thời nay bắt đầu học theo chương trình giáo dục đổi mới, tính hoà nhập quốc tế cao hơn trước đây. Các đại từ nhân xưng trong tiếng Anh, tiếng Pháp... chỉ đơn giản là "tôi", "bạn", không có nhiều ngữ nghĩa như tiếng Việt. Do đó để học sinh hoà nhập tốt hơn thì nên đơn giản hoá các đại từ nhân xưng.
"Trẻ sẽ không còn thắc mắc sao lúc cô học trò gọi là con, lúc lại em", ông Ân nói.
Đề xuất 'không gọi trò là con' gây ra nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh minh họa: Tiền Phong)
Thứ hai, "giáo viên gọi học sinh là con rất phản cảm". Từ này chỉ dành cho các bậc sinh thành gọi con cái của họ. Giáo viên chỉ nên làm đúng chức năng của mình là giáo dục. Do đó, đại từ nên đổi thành "các em, các trò, các anh/chị..." cho phù hợp.
Thứ ba, việc thống nhất cách xưng hô giữa giáo viên, học sinh, sinh viên là tiền đề, bước đệm cho việc thống nhất cách gọi giữa các mối quan hệ khác trong xã hội. Ví dụ, trong cơ quan làm việc, thay vì gọi "anh - em", "chú - cháu", "cậu - tớ" nên đổi lại thành "tôi - đồng chí", "anh - chị" để đảm bảo sự khách quan, không mang yếu tố thân tình ảnh hưởng đến công việc.
Ông Lại Nguyên Ân nêu, trước năm 1945, học sinh và người dạy học xưng hô chung là thầy - trò. Từ "con" bắt nguồn từ khi có cấp học mầm non, sau đó mở rộng phổ biến lên bậc tiểu học, THCS, THPT và dần trở thành phổ biến trong trường học như hiện nay. Tuy nhiên khi so sánh với các nước khác như Anh, Singapore, Mỹ, cách xưng hô chỉ đơn giản là "cô - trò", "tôi - các bạn", "tôi - các em".
"Họ xưng hô như vậy nhưng chất lượng giáo dục vẫn đảm bảo, không bị ảnh hưởng. Không thể cho rằng thay đổi cách gọi sẽ ảnh hưởng chất lượng giáo dục", ông Ân nói.
Họ xưng hô như vậy nhưng chất lượng giáo dục vẫn đảm bảo, không bị ảnh hưởng. Không thể cho rằng thay đổi cách gọi sẽ ảnh hưởng chất lượng giáo dục.
Ông Lại Nguyên Ân
Trước nhiều ý kiến bất đồng của phụ huynh và giáo viên, quan điểm trên của ông Ân cũng nhận được sự đồng tình của một số giáo viên.
Theo thầy Lê Thái Bá Linh, trường THPT Vĩnh Phúc, việc xưng "thầy - con" tưởng chừng như thể hiện sự yêu thương gần gũi nhưng điều đó vô tình tác động vào ý thức và định hình trong suy nghĩ của học sinh lối tư duy thiếu sự tự tin, lúc nào cũng khúm núm, luôn nghĩ mình nhỏ bé, không dám đưa ra quan điểm hay đấu tranh cho chính kiến của cá nhân.
Cách gọi được cho là thân mật cũng khiến học sinh dễ rơi vào tâm lý ỷ lại, nghĩ rằng thầy cô như bậc làm cha làm mẹ, các em lúc nào cũng trông chờ giáo viên, dần dần triệt tiêu sự phấn đấu, không còn sự phản biện.
Không những vậy, khi thầy cô gọi học sinh bằng "con" sẽ trở thành nếp, cứ nghĩ trò là con cháu trong nhà, luôn luôn bé nhỏ, phải bảo bọc, yêu chiều các em, nhiều khi sẽ đi ngược với yêu cầu giáo dục nghiêm khắc.
Thầy Linh ví dụ, trong các đề thi, người ra đề luôn dùng từ xưng hô "em", hay "anh/chị" khi nêu yêu cầu trả lời. Đây không phải ngẫu nhiên, mà là chuẩn mực, đúng nguyên tắc giáo dục thể hiện sự tôn trọng học sinh và công bằng trong kiểm tra đánh giá.
"Cách xưng hô "cô/thầy - em" vừa không làm mất đi tính yêu thương, vừa đảm bảo đúng quy chuẩn và chuẩn mực, khoảng cách nhất định trong tôn sư trọng đạo. Đại từ nhân xưng "con" chỉ nên dùng trong mối quan hệ gia đình, hàm ý chỉ những người có huyết thống, nuôi dưỡng. Nếu cứ sử dụng tùy tiện, đâu cũng xưng "con" thì mặc nhiên chẳng khác nào quy ông, bà, bố, mẹ với thầy, cô giáo là một", thầy Linh nói.