Bộ GTVT cho biết bộ đã nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển đề xuất của Tập đoàn Vingroup liên quan đến phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại TP Hà Nội và TP.HCM để giảm ô nhiễm môi trường.
Bộ GTVT đồng ý để Vingroup khai thác xe buýt điện tại Hà Nội, TP.HCM.
Theo Bộ GTVT, việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025.
"Bộ Giao thông Vận tải đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại Hà Nội và TP.HCM", văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội và TP.HCM yêu cầu Tập đoàn Vingroup cần thực hiện theo đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô; xe buýt điện phải đáp ứng, quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với loại phương tiện này.
Đối với trường hợp xe buýt điện mới đưa vào hoạt động lần đầu tại Việt Nam nên chưa có định mức, đấu thầu, đơn giá cung cấp sản phẩm dịch vụ cho loại hình này, Bộ GTVT đề nghị UBND Hà Nội và UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng về các đề xuất cơ chế đặc thù áp dụng tạm thời khi đưa loại phương tiện này tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.
Vingroup trước đó có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép doanh nghiệp được triển khai Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại Hà Nội và TP.HCM theo phương thức đặt hàng tạm thời cung ứng dịch vụ công cộng với đơn giá tạm tính theo đơn giá định mức các loại xe buýt điện hiện có trong khi chờ xây dựng đơn giá định mức cho xe buýt điện.
Thời gian áp dụng đơn giá tạm thời là 1 năm kể từ khi vận hành xe buýt điện. Khi Bộ GTVT và 2 thành phố ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá cho xe buýt điện thì đơn vị vận hành sẽ thanh quyết toán trợ giá đúng với đơn giá chính thức kể từ khi đưa phương tiện vào hoạt động.
Hiện Vingroup đã thành lập Công ty TNHH Dịch vụ sinh thái VinBus và lập Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại các thành phố lớn gửi UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM để xin phê duyệt.
Theo đó, Vingroup sẽ đầu tư phương tiện, cơ sở hạ tầng và tổ chức vận hành 15 tuyến xe buýt điện tại Hà Nội và TP.HCM. Các tuyến buýt điện dự kiến triển khai tại Hà Nội là: Long Biên – Trần Phú – Khu đô thị Smart City; Long Biên – Cầu Giấy – Khu đô thị Smart City; Bến xe Giáp Bát – Khu đô thị Smart City; Khu đô thị Smart City – Công viên nước Hồ Tây; Khu đô thị Smart City – Vincom Long Biên; Hào Nam – Khu đô thị Ocean Park; Bến xe Mỹ Đình – Khu đô thị Ocean Park; Mỹ Đình (Hàm Nghi) – Khu đô thị Ocean Park; Khu liên cơ quan Sở ngành Hà Nội – Khu đô thị Times City; Khu đô thị Ocean Park – Sân bay Nội Bài.
Tại TP.HCM, các tuyến xe buýt điện dự kiến là Khu đô thị Grand Park – Trung tâm thương mại Emart; Khu đô thị Grand Park – sân bay Tân Sơn Nhất; Khu đô thị Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn; Bến xe Miền Đông mới – Khu đô thị Đại học Quốc gia.
Các xe buýt được Vingroup sử dụng có tốc độ 80km/h, sức chứa 65-70 người, pin Lithium- Ion, không phát thải.