Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế nêu rõ mục tiêu bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và góp phần giảm tỷ lệ chi tiền túi cho chăm sóc y tế của người dân.
Theo Bộ Y tế, việc khám bệnh nhằm đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện của các bệnh lý, do đó cần mở rộng chi trả. Diện sàng lọc được đề xuất ưu tiên mở rộng chi trả gồm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C, B.
Việc lựa chọn giải pháp mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế mang lại giá trị kinh tế lớn, tiết kiệm chi cho quỹ bảo hiểm y tế, do phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm chi phí điều trị bệnh tật ở giai đoạn muộn khi bệnh thường nặng kèm theo các biến chứng, phải sử dụng thuốc phát minh, đặc trị, các kỹ thuật chẩn đoán, cận lâm sàng có chi phí cao.
Việc chẩn đoán và điều trị sớm còn giúp tiết kiệm chi phí ngân sách chi cho hoạt động phòng bệnh và chi phí để giải quyết các vấn đề sức khoẻ, xã hội. Như vậy, Nhà nước sẽ được lợi tối đa về tổng thể.
Người dân đi khám bệnh tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội (Ảnh: Như Loan)
Năm 2023, chi phí của 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (Vú, Phổi, Gan, Đại tràng, Dạ dày, Tiền liệt tuyến) từ Quỹ Bảo hiểm y tế là 6.186 tỷ đồng. So sánh riêng với bệnh thái tháo đường tuýp 2, năm 2021 ước tính số bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam là 3,994 triệu người; trong đó 50% chưa được chẩn đoán.
Quỹ Bảo hiểm y tế chi cho điều trị hơn 1,923 triệu bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 với chi phí riêng tiền thuốc là hơn 3.000 tỷ đồng/năm chiếm khoảng 8,40% tổng chi Quỹ. Năm 2023, đối với bệnh đái tháo đường tuýp 2 có 15.534.946 lượt khám chữa bệnh với chi phí chi phí lên đến 6.766,6 tỷ đồng/năm, chiếm 5,6% tổng chi quỹ; bệnh tăng huyết áp có 22.890.888 lượt khám chữa bệnh với chi phí là 6.015,3 tỷ đồng/năm, chiếm 4,9% tổng chi quỹ.
Nếu sàng lọc đái tháo đường tuýp 2 sẽ tiết kiệm được cho Quỹ Bảo hiểm y tế trung bình 162,3 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai. Đối với sàng lọc tăng huyết áp sẽ tiết kiệm được cho quỹ bảo hiểm y tế trung bình 1.216,8 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai.
Đối với người dân, giải pháp mở rộng chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính cho người dân nhờ phát hiện và điều trị sớm giúp tiết kiệm chi phí điều trị, đi lại, tạm trú so với khi bệnh nặng, giảm chi phí đồng chi trả của người bệnh.
Trước đó, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo đề xuất xây dựng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh trong Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.
Thạc sĩ Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, với 5 nhóm bệnh đề xuất Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phí nêu trên được dựa trên kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng khoa học, mô hình bệnh tật cần quan tâm. Nhiều nước trên thế giới đã làm và cho thấy hiệu quả.
Thời gian tới sẽ có các đánh giá về tác động, hiệu quả khi các bệnh này được bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám sàng lọc, chẩn đoán, điều trị sớm. Tuy nhiên, việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm các chi phí y tế, điều trị bệnh sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, bệnh lý tim mạch.
Theo Thạc sĩ Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), chúng ta đang hướng đến dự phòng chủ động tích cực trong khám, chữa bệnh, cho nên trong đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế lần này, phạm vi quyền lợi đối tượng hưởng bảo hiểm y tế được mở rộng nhiều nội dung hơn.
Việc đề xuất năm nhóm bệnh được chi trả bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh ban đầu, sẽ giúp sàng lọc được những nguy cơ nếu bệnh chuyển nặng, sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị và thời gian.
Còn về sức khỏe, nếu phát hiện sớm, người bệnh sẽ được điều trị sớm và đỡ tốn kém cả về ngân sách, thời gian và sự tổn hại về tinh thần.