Sau gần một ngày thẩm vấn, chiều muộn 30/8, VKSND Hà Nội đề nghị TAND thành phố phạt Nguyễn Xuân Quý (39 tuổi, ở huyện Thanh Trì) tổng hợp mức án tử hình về các tội Mua bán trái phép chất ma túy, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Người thứ 2 cùng bị đề nghị tử hình về 2 tội Mua bán trái phép chất ma túy và Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là Nguyễn Văn Ngọc.
Liên quan vụ án, bà Đỗ Thị Lưu (53 tuổi, cựu Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) bị đề nghị mức án 2-3 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nguyễn Xuân Quý (áo kẻ). (Ảnh: N.T).
Nguyễn Anh Vũ (cựu kỹ thuật viên bệnh viện) bị đề nghị 7 năm - 7 năm 6 tháng tù về tội Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý. Hai cựu nhân viên khác của bệnh viện gồm Nguyễn Minh Huệ và Bùi Thị Hạt bị đề nghị 5-6 năm tù về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Bốn bị cáo còn lại, từng là các đàn em của Quý, bị VKS đề nghị các mức án từ 6 năm tù đến chung thân về các tội Mua bán trái phép chất ma túy và Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Hồ sơ vụ án cho thấy cuối năm 2018, Nguyễn Xuân Quý không mắc bệnh tâm thần, nhưng bị bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Quý khai lợi dụng việc điều trị này để không phải chấp hành bản án.
Năm 2020, Quý lợi dụng sơ hở của nhân viên y tế, đánh một chìa khóa riêng để tự do đưa người lạ vào nơi điều trị nhằm mua bán, tổ chức sử dụng ma túy. Bị cáo còn cải tạo căn phòng ở bệnh viện, lắp hệ thống loa công suất lớn, đèn nháy và bàn DJ để tổ chức bay lắc.
Khách tham gia "tiệc" ma túy có cả bạn bè, người thân của bệnh nhân và 3 cựu nhân viên y tế gồm Nguyễn Minh Huệ, Bùi Thị Hạt và Nguyễn Anh Vũ.
Để hoạt động bay lắc, Quý khai mỗi tháng đã nộp cho bà Lưu 6-10 triệu đồng chi phí buồng bệnh. Sau khi nhận tiền, bác sĩ Lưu đưa cho tổ công đoàn 2-3 triệu đồng mỗi tháng để nhập quỹ.
Ngoài ra, VKS cho rằng Nguyễn Xuân Quý mua ma túy từ bên ngoài rồi cất giấu, mua bán hàng cấm ngay tại bệnh viện trên. Khi có người giao dịch, Ngọc, Trung và nhóm đàn em sẽ thay Quý đi giao, nhận ma túy. Họ được Quý trả công bằng việc cho sử dụng ma túy miễn phí.
10 bị cáo trong vụ án. (Ảnh: N.T).
Trả lời thẩm vấn tại tòa, nhóm bị cáo là cựu cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 khai họ biết Nguyễn Xuân Quý là thành phần cộm cán, có nhiều tiền án và tiền sự. Thấy anh ta hoạt động phi pháp tại cơ sở điều trị, các cán bộ y tế nể sợ nên không dám báo cáo cấp trên. Họ cũng thừa nhận đã cùng bệnh nhân sử dụng ma túy.
Bị cáo Đỗ Thị Lưu cũng thừa nhận bản thân biết những việc làm của Nguyễn Xuân Quý. Song, bà cho rằng mình chỉ có nhiệm vụ quản lý bệnh nhân. Còn việc đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở này là của người khác. Tại tòa, bà Lưu phủ nhận đã nhận tiền từ trùm ma túy Nguyễn Xuân Quý.
Còn khi được xét hỏi, bị cáo Quý không trả lời. Có lúc, anh ta kêu la và tỏ ra mất bình tĩnh khiến cảnh sát phải đưa sang căn phòng khác. Chủ tọa cho biết theo kết quả giám định tâm thần, Quý có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự tại thời điểm xảy ra vụ án.
Ngày 31/8, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.