Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề nghị tăng mức xử phạt vi phạm xây dựng tại Hà Nội gấp nhiều lần

(VTC News) -

Đánh giá những vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội gây hậu quả nặng nề, nguyên lãnh đạo Thành phố đề nghị cho phép Hà Nội tăng mức phạt gấp nhiều lần địa phương khác.

Ngày 18/9, tại hội nghị đóng góp ý kiến của nguyên lãnh đạo TP Hà Nội vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị dự thảo luật cần được điều có tính bao trùm, khái quát hơn, khẳng định tính vượt trội so với các luật khác.

Theo ông Nghị, Luật Thủ đô 2012 quy định một số nội dung đặc thù cho Hà Nội về xử phạt hành chính, nhưng mới chỉ "vượt" chứ chưa "trội". Đối với Hà Nội, những vi phạm như trật tự xây dựng gây ra hậu quả rất phức tạp, nặng nề. Nếu chỉ quy định cho phạt gấp 2 lần so với các địa phương khác thì người dân thấy vẫn rất có lợi nên sẵn sàng vi phạm.

"Do đó, có thể cho phép Hà Nội quy định mức phạt, thông qua tại HĐND Thành phố, mức phạt có thể gấp nhiều lần mức của các địa phương khác, thậm chí là 50 lần.

Chúng ta phạt nặng là để ít phải phạt, để người sau không dám vi phạm. Mong là các cơ quan lập pháp như Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp ủng hộ Hà Nội theo hướng đó”, ông Phạm Quang Nghị góp ý.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu góp ý tại hội nghị. 

Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đề nghị tăng quyền hạn cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội cao hơn Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khác, tương tự đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tại Hà Nội. Đi liền với quyền hạn là tăng trách nhiệm, trách nhiệm phải lớn hơn.

Góp ý về nội dung quy định di dời các bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, bản chất quy hoạch Thủ đô là quy hoạch vùng nên theo Luật Quy hoạch là phải tuân thủ quy hoạch ngành và quy hoạch cấp quốc gia.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ mối quan hệ này để bảo đảm việc di dời các cơ sở trên có tính khả thi, phù hợp, không bị chồng chéo, không vi phạm các luật chuyên ngành.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm cho rằng, quy định việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô là rất cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của người dân và nhu cầu thực tiễn đời sống. Nếu chưa di dời thì thành phố làm bao nhiêu đường vẫn không giải quyết được ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Duy Nhâm, cần có quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị di dời và có cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, kinh phí cho các đơn vị này.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Vương Văn Biện cho biết, đối với Thủ đô môi trường phải được coi là quan trọng số 1 khi xét duyệt các chương trình, dự án. Dù dự án được đầu tư hàng nghìn tỷ mà không bảo đảm về môi trường thì Thành phố không thể cấp phép đầu tư, không thể thông qua. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải làm rõ được điều này.

Ông Vương Văn Biện đồng thời đề nghị, Luật Thủ đô phải quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về xây dựng đô thị, khắc phục những bất cập hiện nay.

Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, quy định đưa huyện thành quận và thành lập thành phố trực thuộc Thành phố cần thiết phải có kế hoạch chuyển tiếp. Trong dự thảo Luật chưa thấy nói về vấn đề này.

Nhà thơ Bằng Việt cũng đề nghị cần quy định rõ hơn về yêu cầu bảo vệ môi trường, thành lập quỹ bảo vệ môi trường trong Luật Thủ đô (sửa đổi), hiện mới quy định rải rác trong một số điều nhưng chưa rõ.

Quan tâm vấn đề văn hoá trong dự thảo Luật, nhà thơ Bằng Việt cho rằng, Hà Nội là Thủ đô văn hiến nên văn hoá phải được quan tâm số 1, có chiến lược phát triển văn hoá lâu dài, bền vững. Luật nên viết dài hơn, kỹ hơn về công nghiệp văn hoá, cho phép Hà Nội cởi mở, phóng khoáng hơn, có quỹ lớn hơn trong việc phát triển văn hoá.

Đóng góp ý kiến, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đề nghị đặt tên là Luật Thủ đô Hà Nội để làm rõ đây là quy định về luật dành cho Thủ đô Hà Nội, xác định rõ trách nhiệm của Hà Nội trong luật. 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận và tiếp thu ý kiến góp ý tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tinh thần chung của các bộ, ngành đều rất ủng hộ Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trao đổi, làm rõ thêm các ý kiến góp ý của đại biểu, đề cập đến vấn đề phân cấp, giao quyền lớn hơn cho Hà Nội quyết định đầu tư các dự án hay chuyển mục đích sử dụng đất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Thành phố đề xuất phân quyền đồng thời với trách nhiệm quản lý phải lớn hơn.

Đề xuất này cũng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay là quy trình thủ tục các dự án quy mô từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải được thông qua Quốc hội cho dù đó là dự án hoàn toàn của thành phố như cầu Tứ Liên, hoàn toàn nằm trên địa bàn Hà Nội, do ngân sách Thành phố chi đầu tư; thời gian trình và thông qua phải mất hàng năm.

Đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất trong một số dự án dù chỉ "dính" một ít đất rừng sản xuất, đất lúa không ảnh hưởng đến môi trường, an ninh lương thực, nhưng do phải thực hiện theo quy trình thủ tục Chính phủ duyệt mất hơn 1 năm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, như trường hợp đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cảm ơn các nguyên lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ đã tham gia hội nghị đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản.

"Chúng tôi xin tiếp thu nghiêm túc và giao cho bộ phận chuyên môn nghiên cứu tiếp thu cụ thể để hoàn thiện các điều, khoản và nội dung, hình thức dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội", ông Trần Sỹ Thanh nêu rõ.

Minh Tuệ

Tin mới