Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Kỳ vọng dự án Luật Thủ đô sửa đổi là bước đột phá về thể chế

(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ vọng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là bước đột phá để tạo ra thể chế, khung khổ cho quá trình xây dựng và phát triển TP Hà Nội.

Sáng 12/9, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) là dự án luật trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội trực tiếp làm việc với TP Hà Nội để cho ý kiến về những định hướng lớn của dự án luật với tinh thần "cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: TTXVN).

"Tương tự như những chính sách đặc thù chúng ta đã trình Quốc hội xem xét để ban hành Nghị định 98 nhằm phát triển TP.HCM, kỳ vọng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là bước đột phá để tạo ra thể chế, khung khổ cho quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô theo tinh thần, định hướng lớn trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, cùng với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), tại phiên họp này, Ủy  ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 6 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Trong đó, tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi đã cho ý kiến tại phiên họp thứ 25.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự án sau khi đã xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến để hoàn thiện trình ra Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 tới.

Bên cạnh đó, nếu chuẩn bị kịp hồ sơ, phiên họp này sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội nhận định đây là dự án luật rất khó, sẽ bố trí xem xét vào cuối phiên họp thứ 26 này.

Về công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các đại biểu sẽ cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".

"Đây là 1 trong 4 chuyên đề giám sát trong kế hoạch 2024. Sau phiên họp, sẽ ban hành nghị quyết, tổ chức các đoàn để triển khai từ cuối năm nay đến năm sau", ông Vương Đình Huệ thông tin.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn).

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước và báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

"Trong đó có nội dung kết quả thực hiện Nghị quyết số 74/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nội dung này sẽ tập trung vào việc xem xét thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành tại các phiên chất vấn", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023...

Ngay sau phần khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước. 

Anh Văn

Tin mới