Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề án 'Doanh nghiệp vì người tiêu dùng' 2021-2025 hướng đến mục tiêu gì?

(VTC News) -

Từ ngày 8/1/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 48/QĐ-BCT về việc phê duyệt Đề án "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng" giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu của đề án nhằm giúp doanh nghiệp thực thi đúng quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình; Thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh vì người tiêu dùng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Cùng với đó là thúc đẩy văn hóa kinh doanh vì người tiêu dùng của doanh nghiệp, góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng, kinh doanh lành mạnh, bền vững; Thúc đẩy doanh nghiệp xây dựng giá trị thương hiệu, định hướng để người tiêu dùng có thể lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, lựa chọn những hàng hóa, dịch vụ chất lượng, an toàn, tiết kiệm và giảm thiểu tác hại tới môi trường.

Theo đó, mục tiêu đề án đặt ra đến năm 2025 có khoảng 5.000 doanh nghiệp được trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn đào tạo; 500 cán bộ, công chức, viên chức là đại diện các Sở Công Thương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hiệp hội, ngành nghề khác tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tham gia các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn của đề án; 50.000 doanh nghiệp được gián tiếp tiếp nhận thông tin, chương trình của đề án; 100 doanh nghiệp được hỗ trợ khảo sát, đánh giá và hỗ trợ nâng cao hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh vì người tiêu dùng.

Để biến những mục tiêu trên thành kết quả, đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ và các giải pháp: Hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”; Nâng cấp và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho các hoạt động của đề án; Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội về vai trò, ý nghĩa của chương trình "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng", khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình; Tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia chương trình, xây dựng và thực hiện các chính sách, quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm tuân thủ pháp luật, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, đáp ứng tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”; Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng đáp ứng bộ tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”, hoàn thiện chính sách, quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm tuân thủ pháp luật.

Đề án "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng" hướng đến mục tiêu giúp khoảng 5.000 doanh nghiệp được trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn đào tạo. (Ảnh minh họa)

Kinh phí thực hiện chương trình do ngân sách nhà nước đảm bảo và nguồn kinh phí huy động tài trợ khác. Tổng kinh phí thực hiện đề án "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng" trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 27 tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, đến nay, sau gần 2 năm triển khai đề án, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các ban, ngành và địa phương chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị tùy đặc điểm tình hình cơ quan, đơn vị; có biện pháp lồng ghép nghiên cứu tổ chức phổ biến nội dung chính sách, quy định mới về quyền lợi người tiêu dùng đến cán bộ, công chức và viên chức, người lao động nhằm nâng cao nhận thức về vai trò tầm quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo quyền lợi người tiêu dùng đảm bảo theo quy định của pháp luật. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các đơn vị đã phát hiện hàng nghìn vụ có hành vi vi phạm như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi nhã hàng hóa; thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng điều kiện bảo quản theo quy chuẩn, quy định an toàn thực phẩm.

PHẠM DUY

Tin mới