Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, các gian thương luôn tìm đủ mọi cách để trục lợi bất chính khiến quyền lợi của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng hơn bao giờ hết.
Trước vấn nạn này, nhiều ý kiến nhận xét, một nguyên nhân khiến những vi phạm này vẫn tiếp diễn vài biến tướng ngày càng tinh vi là do những chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa thật sự đủ sức răn đe, cảnh tỉnh.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vô cùng cần thiết. (Ảnh minh họa)
Trả lời VTC News về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc văn phòng luật Minh Bạch phân tích, hiện nay, quy định về các chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Bộ luật hình sự 2015.
“Nhìn chung, các quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Nghị định này được quy định cụ thể, chặt chẽ và đầy đủ hơn so với quy định tại các Nghị định trước đây, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách toàn diện hơn. Tuy nhiên, các chế tài hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe”, luật sư Tuấn Anh nhận định.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty luật Minh Bạch.
Theo Giám đốc văn phòng luật Minh Bạch, mặc dù các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thường gây ảnh hưởng tới nhiều người tiêu dùng trong cùng một thời điểm và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng mức phạt tiền đối với những hành vi này còn khá thấp.
Cụ thể, mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức, áp dụng với hành vi vi phạm về trách nhiệm bảo hành hàng hóa. Nếu so với những khoản lợi bất chính mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thể thu về do hành vi vi phạm pháp luật của mình thì mức phạt này là quá thấp
Với những hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015, đây đều là những hành vi đe dọa hoặc đã gây ra hậu quả lớn đối với người tiêu dùng và xã hội. Tuy nhiên, hình phạt đối với những hành vi này vẫn chưa đủ tính nghiêm khắc khi mức xử phạt đa số là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù với mức thấp.
Do việc quy định các chế tài đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa đủ tính nghiêm khắc, nên vẫn còn tồn tại rất nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà thực hiện những hành vi xâm phạm đến quyền lợi về tài sản, thông tin cá nhân, thậm chí là sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa hiệu quả
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng muốn đòi lại quyền lợi của mình, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay chưa phát huy hiệu quả.
Luật sư Tuấn Anh phân tích, theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết.
Đồng thời, người tiêu dùng, tổ chức xã hội có nghĩa vụ cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
“Vì vậy, yêu cầu được bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng có được giải quyết hay không còn phụ thuộc vào khả năng cung cấp chứng cứ chứng minh của người tiêu dùng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, ý thức lưu giữ và bảo vệ các chứng cứ và chứng minh của đa số người tiêu dùng hiện nay là rất thấp, nên số yêu cầu được giải quyết trên thực tế là chưa nhiều.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể lựa chọn khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng tại Trọng tài hoặc Tòa án. Tuy nhiên, hình thức giải quyết tranh chấp tại Trọng tài đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa phổ biến, mà các vụ việc tranh chấp về quyền lợi người tiêu dùng đa số vẫn do Tòa án giải quyết”, ông Tuấn Anh nói.
Theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền khời kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định về quyền khởi kiện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về mặt lý thuyết đã tạo thuận lợi để bảo quyền lợi cho người tiêu dùng khi họ là bên yếu thế hơn khi tham gia vào quan hệ mua bán hàng hóa, dịch vụ, đồng thời cũng có rất nhiều người tiêu dùng có ý thức pháp luật hạn chế để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, pháp luật vẫn có các quy định hướng dẫn các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong việc thực hiện chức năng bảo vệ cho người tiêu dùng để khởi kiện vụ án dân sự.
Đồng thời, khi khởi kiện các vụ án dân sự, các tổ chức xã hội này sẽ phải gánh chịu các chi phí trong suốt quá trình tham gia tố tụng. Do đó, việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay chưa phát huy hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm của luật sư Tuấn Anh, ông Hoàng Chiến Vũ (người tiêu dùng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Mặc dù biết quyền lợi của mình bị ảnh hưởng nhưng với tâm lý ngại va chạm, ngại những thủ tục khiếu nại phức tạp nên tôi đã nhiều lần chấp nhận bỏ qua cho xong chuyện.
Tôi nghĩ rằng, ngoài việc đợi người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại, các cơ quan chức năng Nhà nước cũng cần có biên pháp ngăn chặn ngay từ đầu và xử lý nghiêm những vi phạm nếu có để răn đe những gian thương có ý định xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng”.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Qua 12 năm thực thi, các quy định tại luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, quá trình thực thi luật hiện hành đã bộc lộ một số điểm hạn chế liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật; sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới; cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khắc phục những hạn chế, bất cập đặt ra trong thực tiễn.
Thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 8/2022, Chính phủ đã có Tờ trình số 347 ngày 26/9/2022 trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).