Theo nhiều đại biểu, quan điểm sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền phải bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; bám sát tình hình thực tiễn của đất nước; góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) nêu ý kiến, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán… là một trong những nội dung liên quan đến hoạt động tài chính nên cần bổ sung vào Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cho phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền.
Trong khi đó, nêu trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng chống rửa tiền, đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) cho biết, tội phạm rửa tiền có thể diễn ra đối với tất cả các lĩnh vực, trong khi vai trò, trách nhiệm trong nội dung quản lý Nhà nước về công tác này vẫn chưa được làm rõ. Do vậy, cần phải có sự tham gia giám sát, phản biện của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể để phát huy được hiệu quả.
Đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) cho biết, tội phạm rửa tiền diễn ra đối với tất cả các lĩnh vực, do đó cần tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý Nhà nước.
Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho biết, hiện nay các loại tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam chấp thuận để trở thành giao dịch chính thức.
"Tuy nhiên trong thực tế, chúng tôi biết có rất nhiều giao dịch tiền ảo, có máy chủ được đặt tại nước ngoài và nó đã trở thành một địa điểm, khâu trung gian để các loại tội phạm, trong đó có tội phạm khủng bố, tội phạm phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt hoặc các loại tội phạm mới phát sinh. Do vậy, phải bổ sung giao dịch tiền ảo vào Luật phòng chống rửa tiền sửa đổi để chúng ta ngăn chặn kịp thời các loại giao dịch có nguy cơ rửa tiền từ trong nước cho các tổ chức, các loại tội phạm ở nước ngoài cũng như tiền từ các tổ chức nước ngoài chuyển về cho các loại tội phạm ở trong nước", ông Sinh nói.
Đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn An Giang cho biết, hiện nay các loại tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam chấp thuận để trở thành giao dịch chính thức.
Về vấn đề đầu tư, đầu cơ vào bất động sản, ông Sinh cũng nhận xét, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho, tặng… có nguy cơ hình thành nên tội phạm rửa tiền với cách thức hoạt động tinh vi. Do đó cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn loại tội phạm này.
"Luật mới chỉ quy định đến trách nhiệm của Bộ Xây dựng thì tôi cho rằng chưa đủ, mà cần bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan của hai bộ này để tăng cường hơn nữa công tác quản lý loại tội phạm rửa tiền trong lĩnh vực này”, ông Sinh đề xuất.