"Mức sống, thu nhập của cán bộ y tế còn rất thấp", GS Nguyễn Anh Trí trả lời phỏng vấn bên lề phiên thảo luận sáng 28/10 của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
"Cán bộ y tế mới ra trường làm 5 năm, thu nhập loanh quanh 4 triệu đồng. Đó là bác sĩ, điều dưỡng còn thấp hơn. Một đêm trực chỉ được nhận 18.600 đồng, mà là trực chống dịch, rõ ràng là rất thấp. Vì vậy, bằng mọi cách nhanh nhất phải tăng lương, tăng tiền trực", ông Trí nói thêm.
GS Nguyễn Anh Trí ủng hộ chủ trương tăng lương, tăng phụ cấp cho cán bộ công chức, viên chức đặc biệt là ở ngành y tế. Tuy nhiên, ông cho rằng, đó là một trong nhiều bước phải làm để giải quyết vấn đề cán bộ ngành y tế rời bỏ khu vực công hàng loạt.
GS Nguyễn Anh Trí.
Đại biểu này nêu một số giải pháp như đảm bảo thu nhập, tiền lương, tiền trực, các thù lao khác nhất là khi tham gia chống dịch. Bên cạnh đó, nhanh chóng cải thiện điều kiện làm việc ở các bệnh viện, đảm bảo quyền được làm việc, được hành nghề, được tự chủ.
GS Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ mong muốn những đóng góp của ngành y tế không bị lãng quên vì những sai phạm của các cá nhân. Điều này sẽ giúp các y bác sĩ thêm vững tin để chuyên tâm làm việc, tiếp tục cống hiến cho xã hội.
"Một điều rất quan trọng là lòng tin của nhân dân. Nhân dân cần nhìn nhận ngành y tế dưới góc độ khác, đúng đắn hơn. Thừa nhận rằng thời gian qua trong thời gian chống dịch rất nhiều người làm sai, nhưng ai vi phạm đã bị kỷ luật. Còn những người khác đóng góp rất nhiều cần được nhìn nhận cho đúng. Đó là nguồn động viên vô giá để cán bộ y tế bình tĩnh trở lại, làm việc tốt hơn", đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Nói thêm về làn sóng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc thời gian qua, đại biểu chung quan điểm mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu trong phiên thảo luận chiều 27/10. GS Nguyễn Anh Trí cho rằng trên góc nhìn tổng thể, xu hướng này là bình thường trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ở đó, người lao động làm ở đâu cũng được, miễn sao phục vụ cho nhân dân, đất nước.
Tuy nhiên, với riêng các cơ sở công lập có cán bộ công chức, viên chức rời đi, đây là vấn đề cần xem xét nghiêm túc.
"Phải xem lại tất cả khía cạnh: Thu nhập, điều kiện làm việc, cách đối xử, văn hóa... như thế nào mà để cho người lao động rời bỏ để làm việc khác. Phải thấy lý do rất cơ bản là đời sống của họ không được đảm bảo nên họ phải rời bỏ. Tất cả những vấn đề đó phải được xem xét", GS Nguyễn Anh Trí nói.