Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH: Mỗi năm đến trường, phụ huynh man mác buồn vì sách giáo khoa tăng giá

(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hoà nêu hiện trạng trước mỗi năm học, phụ huynh lòng man mác buồn vì không có sách giáo khoa và giá sách còn tăng.

Sáng 8/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về đổi mới sách giáo khoa, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học.

Tuy nhiên, việc xã hội hóa sách giáo khoa thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề. "Xã hội hóa mà giá sách giáo khoa không những không hạ mà ngày càng tăng. Đây là điều rất bất cập", ông Hòa nói. Ông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa để cạnh tranh với các nhà xuất bản.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu sáng 8/11.

"Phụ huynh nói vui là mỗi năm đến hè học sinh man mác buồn, nhưng mỗi năm đến trường thì phụ huynh man mác buồn. Vì sao phụ huynh buồn? Họ buồn vì sách giáo khoa không có, rồi lại tăng giá sách.

Bộ nên biên soạn sách giáo khoa để cạnh tranh với các đơn vị và khi cần thiết Nhà nước định giá, trợ giá cho bộ sách giáo khoa. Chúng ta có thể tiến tới Nhà nước không thu phí sách giáo khoa, không thu học phí", ông nói.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói thực tế, giá sách giáo khoa khi xã hội hóa chưa có giá rẻ như mong muốn. Tuy nhiên, Bộ chỉ có trách nhiệm thẩm định về chuyên môn, còn vấn đề tài chính, duyệt giá là dựa trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản.

Về biên soạn sách giáo khoa của Nhà nước, Bộ trưởng cho biết đã bày tỏ đầy đủ quan điểm về vấn đề này trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại kỳ họp.

Quan điểm ông là từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng sách cho lớp 5, 9, 12 thật tốt, đảm bảo đủ sách cho năm học tới. Còn vấn đề sách giáo khoa, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất và cố gắng 1, 2 năm tới khi quy trình đổi mới sách hoàn tất sẽ đánh giá sâu và đề đạt phương án trình Quốc hội sau.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn.

Liên quan tới vấn đề thiếu giáo viên theo ý kiến của đại biểu Leo Thị Lịch (Thường trực Hội đồng Dân tộc), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói cần giải pháp đồng bộ để giải quyết. Ông thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên xảy ra nhiều hơn tại khu vực miền núi, vùng sâu và bậc mầm non, tiểu học.

Vừa qua, trên 3.000 điểm trường tại nhiều địa phương vùng sâu được dồn lại nên khắc phục một phần việc thiếu giáo viên. Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, dồn điểm trường ở những nơi có thể thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị việc cắt giảm 10% biên chế viên chức không nên cào bằng ở các địa phương để đảm bảo đủ giáo viên, bớt khó khăn cho ngành giáo dục. Bộ cũng sẽ tăng các giải pháp về chuẩn bị nguồn đầu vào để khi cần các khu vực vùng núi, vùng sâu xa có thể tuyển dụng thêm giáo viên.

Hà Cường

Tin mới