Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và 2024 diễn sáng nay, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội tiếp tục nêu hàng loạt băn khoăn trong việc biên soạn sách giáo khoa.
Bà Thúy cho biết, báo cáo của đoàn giám sát mới gửi Quốc hội đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị xác đáng. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề dư luận chưa đồng tình và bản thân bà "nghi ngại".
Theo báo cáo kết quả giám sát, trong giai đoạn 2015 - 2022, Nhà nước đã bố trí 213.449 tỷ đồng cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. Trong đó, chi thường xuyên là 81.770 tỷ đồng, chiếm 38,3%, chi đầu tư là 131.679 tỷ đồng, chiếm 61,7%.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội. (Ảnh: Quochoi.vn)
"Liệu con số này chính xác đến đâu? Ai cũng biết chi thường xuyên bao gồm chi lương và chi phí hành chính cho bộ máy; còn chi đầu tư là chi cho cơ sở vật chất. Dù đổi mới hay chưa đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì những khoản này vẫn phải chi", bà Thúy nêu.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, tính đến hết năm 2022 mới có các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 thực hiện đổi mới. Còn khối lớp 6, 9, 12 vẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa cũ.
Việc báo cáo giám sát không bóc tách, phân tích mà công bố một con số khổng lồ như vậy dễ gây hiểu lầm cho xã hội về cách chi tiêu ngân sách nhà nước, tác động xấu đến ngành giáo dục, đến việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Cùng với đó, Đoàn giám sát công bố kết luận đề nghị Quốc hội yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa “của Nhà nước”.
Tuy nhiên, sau đó gần nửa tháng (ngày 23/8), Văn phòng Quốc hội mới gửi công văn yêu cầu Bộ GD&ĐT báo cáo về một số thông tin rất quan trọng liên quan đến chính sách về sách giáo khoa của các nước, trong đó có nêu tỷ lệ quốc gia ở châu Âu, Đông Nam Á mà nhà nước không chủ trì biên soạn và sở hữu bản quyền sách giáo khoa. Số lượng quốc gia trên thế giới mà nhà nước chỉ ban hành chương trình và coi sách giáo khoa là học liệu; số lượng quốc gia trên thế giới, khu vực châu Âu, Đông Nam Á và các nước G20 mà sách giáo khoa toàn bộ do tư nhân biên soạn...
"Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên. Không hiểu vì sao đoàn giám sát có thể đưa ra một kết luận quan trọng như vậy về sách giáo khoa khi chưa có và chưa hề nghiên cứu về chính sách sách giáo khoa của các nước?", Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu.
Nhắc lại chủ trương đổi mới nhiều nhà xuất bản soạn sách giáo khoa trước đây, theo bà Thúy, số tiền mà các doanh nghiệp bỏ vào để làm sách giáo khoa phải trên 1.200 tỷ đồng. "Có cần bỏ ra trên dưới 400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa hay không?
Đồng thời, nữ đại biểu này cũng thắc mắc việc ra đời một bộ sách giáo khoa “của Bộ GD&ĐT” có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xoá bỏ xã hội hoá không?
"Vào thời điểm này, việc quyết định giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và người dân không đồng tình với sự thay đổi này", đại biểu Thúy nêu.
Bà Thúy cũng đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định.