Sáng 23/10, tham gia thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho biết, dự thảo luật quy định các trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là giết người, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người 13-16 tuổi, sản xuất, tàng trữ, mua bán trái phép ma túy.
Theo đại biểu, thời gian qua, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có xu hướng ngày càng gia tăng. Đối tượng có hành vi phạm tội ở độ tuổi 16-18 tuổi. Lợi dụng phát triển của không gian mạng, các nhóm đối tượng phát triển rất nhanh, kéo theo hàng chục, hàng trăm đối tượng tham gia cuộc chiến phạm tội manh động. Trong khi đó, dự thảo luật chỉ quy định không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ở một số tội thực sự chưa đầy đủ.
"Nếu chỉ có một số tội này không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, tôi dự báo tình hình tội phạm trong thời gian tới do người dưới tuổi thành niên thực hiện tiếp tục gia tăng và có thể xuất hiện những băng nhóm chỉ sử dụng người dưới 18 tuổi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản", ông Nguyễn Tạo lo ngại.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng).
Trên cơ sở Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị bổ sung thêm trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự luật để tránh áp dụng không thống nhất đồng bộ, nhằm nâng cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Về điều kiện áp dụng, ông Tạo cũng đề xuất bổ sung điều kiện cần và đủ là tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả bồi thường thiệt hại, người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thiệt hại tự nguyện hòa giải và đề nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, dự thảo luật quy định "người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng gồm học sinh trường giáo dưỡng và người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng".
Theo giải thích từ ngữ như vậy, nữ đại biểu cho rằng, tất cả học sinh trường giáo dưỡng đều là người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính, học sinh trường giáo dưỡng còn bao gồm một số trường hợp người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật mà không phải là tội phạm.
Theo bà Nga, nên quy định như khoản 4 Điều 4 dự thảo thì nhóm này cũng là đối tượng người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương).
Vì vậy, để thống nhất trong hệ thống pháp luật và đảm bảo tính chính xác, đại biểu Việt Nga cho rằng cần có sự phân biệt giữa học sinh trường giáo dưỡng là đối tượng chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng và đối tượng chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đại biểu đề nghị trường hợp học sinh trường giáo dưỡng theo quy định tại khoản 4 điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính để thống nhất trong hệ thống pháp luật và đảm bảo tính chính xác.
Về nội dung dự thảo Luật quy định "việc xem xét dấu vết trên thân thể của người chưa thành niên là bị hại phải có sự tham gia của người đại diện của họ", đại biểu Nga cho rằng, điều này là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người bị hại là người chưa thành niên.
Đồng thời, nên cân nhắc xem xét quy định thêm về sự đồng ý của chính người chưa thành niên là người bị hại nếu người đó ở độ tuổi đã có những nhận thức nhất định (có thể từ 13 tuổi trở lên) đối với việc xem xét dấu vết trên thân thể, đặc biệt đối với những khu vực, bộ phận nhạy cảm, riêng tư.
Đại biểu cho rằng, điều này thể hiện sự tôn trọng cũng như tránh gây những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đối với người bị hại là người chưa thành niên.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Về tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo luật phải tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết. Một số ý kiến đề nghị không nên quy định tách vụ án hình sự có người chưa thành niên.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung nhiều chính sách và quy định chuyên biệt, thân thiện và nhân văn hơn dành cho người chưa thành niên như: Quy định trình tự, thủ tục, thời hạn chuyên biệt và cụ thể để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại Trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên.
Để thực hiện được đầy đủ các chính sách nhân văn này, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao đều thống nhất việc tách vụ án trong trường hợp vụ án có bị can là người chưa thành niên và người trưởng thành.
Tuy nhiên, về thời điểm tách vụ án trong giai đoạn điều tra, Bộ Công an đề nghị quy định khi xét thấy đã làm rõ hành vi phạm tội của người chưa thành niên và các tình tiết có liên quan; Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị không quy định cụ thể thời điểm tách vụ án trong luật và nên giao cho liên ngành Tư pháp Trung ương quy định chi tiết để bao quát các trường hợp trong thực tiễn giải quyết án.
Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo luật phải tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội trong giai đoạn điều tra để giải quyết, nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo luật.