Góp ý vào buổi thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu quan điểm về các bài học rút ra từ cuộc chiến chống COVID-19 và kiến nghị giải pháp hậu đại dịch.
"Bài học xưa không bao giờ cũ là ý Đảng hợp lòng dân. Dù phải hy sinh xương máu như thời kháng chiến hay việc hạn chế tự do, giảm thu nhập, mất việc làm, nghỉ học, đảo lộn cuộc sống bình thường như trong công cuộc chống COVID-19 vừa qua thì nhân dân vẫn hưởng ứng, ủng hộ và không có thế lực thù địch nào có thể phá hoại và xuyên tạc.
Do đó, mỗi khi người dân phản ứng với chủ trương, chính sách hành động của chính quyền thì cán bộ trước hết phải tự vấn và tự kiểm vì sao lòng dân không ủng hộ mình và đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Bởi làm như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch và cách làm đó trái với di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôn chỉ mục đích của Đảng", ông Nghĩa mở đầu bài phát biểu.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. (Ảnh: Quochoi.vn)
Vị đại biểu TP.HCM nhấn mạnh sự cần thiết của việc tìm cho ra cho đúng thế lực thù địch để nghiêm trị, nhưng nhấn mạnh không mượn bóng ma của chúng để công kích, quy chụp những người góp ý, phê bình dù là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử.
Trong phần nêu ý kiến, ông Nghĩa nhấn mạnh vai trò của Quốc hội và mạng lưới dân cử ở trung ương và địa phương, khẳng định lãnh đạo Quốc hội cũng như các đại biểu luôn quan tâm theo dõi, sát cánh, ủng hộ các chủ trương đúng đắn, hợp lý của hành pháp và tư pháp.
Đại biểu Nghĩa đề cập tới việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo ngưng xét xử trên toàn quốc trong hơn 1 tháng. Ông hoan nghênh quyết định này, cho rằng đây là việc làm cần thiết, góp phần ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 qua hoạt động tố tụng.
Theo ông Nghĩa, việc chống dịch thành công là công lao của Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân và rất đáng tự hào nhưng xác định bước đi, nội dung công việc sắp tới một cách khoa học, kịp thời và chính xác là điều phải làm hiện nay.
"Mở cửa lại để khôi phục kinh tế là công việc hệ trọng, đòi hỏi bước đi khoa học, sâu sát, cụ thể, cần phải nắm chắc và sâu sát tình hình dịch bệnh cũng như chủ trương, định hướng của từng quốc gia, thị trường, lĩnh vực, tập đoàn kinh tế để có đối sách, quyết sách kịp thời, phù hợp.
Thế giới đang bước sang giai đoạn bình thường mới, không còn như trước nên nếu làm đúng và có hiệu quả thì chúng ta có thể khai thác được thời cơ, tăng tốc phát triển, nâng cấp nền kinh tế, từ đó tạo tiền đề vững chắc để hội nhập bền vững trong kỷ nguyên hậu COVID-19", ông kết luận.