Sáng 9/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Liên quan vấn đề trên, trong buổi thảo luận tổ sáng cùng ngày, đại biểu Dương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) bày tỏ sự quan tâm đến đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây sang hình thức đầu tư công được nêu trong tờ trình.
Theo ông Nghĩa, với các dự án này, đấu thầu hay chỉ định thầu là bài toán về quản lý. Mặc dù ưu tiên cho đấu thầu, định hướng đấu thầu nhưng nếu không có tiêu cực, có cơ sở khoa học thì việc chỉ định thầu là chấp nhận được.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. (Ảnh: Quochoi.vn)
"Trong 3 dự án này chúng tôi đề nghị quan tâm, chỉ đạo sâu sát, tránh chuyện thông thầu hay các tiêu cực trong vấn đề đấu thầu, dẫn tới một số nhà thầu không đủ năng lực. Có thể tạo điều kiện để các nhà thầu trong nước liên kết với nhau. Tôi nghĩ nhân dân rất quan tâm và ủng hộ việc chuyển toàn bộ sang kêu gọi đầu tư trong nước. 3 dự án này đề nghị ưu tiên chọn đấu thầu, cho phép các nhà đầu tư có thể liên kết với nhau rồi chúng ta giám sát chặt chẽ để làm hình mẫu trong đầu tư công", ông Nghĩa nêu ý kiến.
Tuy nhiên, luật sư Nghĩa cũng nhấn mạnh nếu chỉ định thầu mang tính hợp lý, tối ưu cao thì cũng không nên loại trừ. Nhưng không để tình trạng chạy chọt rồi cuối cùng thành vụ án trong việc đấu thầu và chỉ định thầu.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tính công khai, minh bạch theo luật đấu thầu và cần giám sát kỹ vấn đề này.
Ngoài ra, ông Tuấn bày tỏ băn khoăn về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án cao tốc Bắc-Nam. Theo tờ trình, tổng mức đầu tư của dự án này được điều chỉnh lên thành 100.816 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN khoảng 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14; cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng.
Ông Tuấn cho rằng cần làm rõ khả năng cân đối vốn ngân sách cho 23.461 tỷ đồng này. Cùng với đó, 3 dự án chuyển sang đầu tư công đều 100% vốn ngân sách, do đó cần lưu ý phương án thu hồi cho vốn ngân sách.
"Nếu đầu tư theo PPP, BOT thì có thể thu hồi, hoàn vốn cho nhà đầu tư, nhưng đây là vốn 100% ngân sách thì cần phải có lưu ý trong vấn đề thu hồi vốn ngân sách về mặt pháp lý", ông Tuấn nhận định.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân ủng hộ quan điểm chuyển 3 dự án sang đầu tư công để đẩy nhanh quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ông Ngân cho rằng phải giám sát, minh bạch ngay từ đầu. Cần phải có thông tin đầy đủ, minh bạch trong đấu thầu và chỉ định thầu.
"Đôi lúc chỉ định thầu tốt hơn là đấu thầu, nhưng phải minh mạch. Trong đấu thầu cũng phải tăng cường giám sát. Có như vậy mới tạo ra được công trình chất lượng", ông Ngân nói.