Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 31/10, về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An) nêu dẫn chứng về lãng phí đầu tư công từ việc không tích cực triển khai hoàn thiện, đưa vào khai thác công trình hồ chứa nước bản Mồng.
Dự án 10 năm chưa hoàn thành
Công trình hồ chứa nước bản Mồng được phê duyệt từ năm 2009 với kinh phí hơn 3.700 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án nằm trên địa bàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa). Đây là dự án trọng điểm quốc gia, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư nhưng đến nay đã 10 năm vẫn chưa hoàn thành.
Đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An) cho biết, nhiều dự án đầu tư công hàng chục năm chưa đưa vào khai thác, sử dụng, gây thất thoát, lãng phí.
Theo đại biểu Thuận, hồ Bản Mồng rộng khoảng 25 km2, là công trình thủy nông lớn nhất Nghệ An với sức chứa 225 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho hơn 18.871 ha đất nông nghiệp của 5 huyện, thị của tỉnh, phục vụ nguồn nước cho công nghiệp, dân sinh, bổ sung nước vào mùa khô cho sông Cả, cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu và phục vụ sản xuất điện với công suất 45 MgW.
“Đây là dự án trọng điểm quốc gia, nhưng đã 10 năm vẫn chưa hoàn thành. Đến nay dự án đã hoàn thành 95% cụm công trình đầu mối, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng, thu dọn lòng hồ theo kế hoạch chưa hoàn thiện, dẫn đến công trình chưa đi vào khai thác. Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa giải phóng mặt bằng, đền bù cho các hộ dân chịu ảnh hưởng của dự án do thiếu vốn”, đại biểu Thuận nói.
Hồ chứa nước bản Mồng sau 10 năm xây dựng vẫn chưa đưa vào khai thác, sử dụng.
Không chỉ có hồ chứa nước bản Mồng, đại biểu Trần Đức Thuận còn nêu dẫn chứng trong báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, giai đoạn 2016-2021 cả nước có 52 dự án đầu tư công và sử dụng nguồn vốn Nhà nước với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng/công trình không hiệu quả.
Do vậy, đại biểu này đề nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn để triển khai hoàn thiện dự án, đưa vào khai thác, sử dụng, tránh gây thất thoát, lãng phí, nhất là những công trình phục vụ dân sinh, công trình phục vụ vùng nông thôn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt câu hỏi, vì sao trong lĩnh vực đầu tư công lại xảy ra thất thoát, lãng phí nhiều hơn, trầm trọng hơn khu vực tư, mặc dù các cấp, các ngành rất quan tâm đến công tác phòng chống lãng phí.
“Nỗ lực là vậy, nhưng thất thoát, lãng phí, nợ đọng thuế, thất thu thuế trong khu vực công, trong đó có đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ. Một nguyên nhân căn bản còn có nhiều hạn chế là do ý thức cá nhân, chủ yếu nghĩ về bản thân, vì bản thân. Căn nguyên sâu xa của tình trạng này là lối sống thực dụng, ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến lợi ích của cá nhân, không nghĩ đến lợi ích của tập thể, cộng đồng, đất nước, đó là tư duy không nỗ lực nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích cộng đồng”, đại biểu Nga nêu thực trạng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng lối sống thực dụng, ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến lợi ích của cá nhân là một trong những nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí.
Nữ đại biểu cho rằng cán bộ cần phải có lối sống văn minh, văn hoá, vì lợi ích cộng đồng, tập thể của quốc gia, dân tộc.
“Để làm được việc này, cùng với việc các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện về pháp luật như công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xét xử thì cần tăng cường công tác tuyên truyền, quan tâm hơn nữa tới việc giáo dục văn hoá toàn diện, trong đó có lối sống văn minh, bởi đó là cái gốc để chống tham nhũng, lãng phí”, đại biểu Nga nói thêm.
Báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết là dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ.
Cùng với đó là hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư. Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó: năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án.
“Có nhiều dự án trong số 1.086 trường hợp phải xử lý hình sự, đã xét xử. Tỷ lệ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công thấp, đặc biệt là vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giải ngân rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thời gian hoàn thành, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Nhiều dự án dở dang, dừng thực hiện dự án hoặc thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nhưng chậm hoặc chưa kịp thời rà soát, cắt giảm, gây thất thoát, lãng phí”, báo cáo giám sát nêu rõ.
Cùng với những công trình, dự án trọng điểm, nhiều công trình dân sinh cũng gây thất thoát, lãng phí, trong đó có việc xây dựng những toà nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng.
Quốc hội thảo luận về thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
Theo thống kê của Đoàn Giám sát của Quốc hội, chỉ tính tại Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí. TP.HCM cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở, 1.274 căn hộ và 1.303 nền đất dùng làm quỹ dự phòng, có gần 5.000 căn hộ và nền đất đang làm thủ tục bán đấu giá. Việc xác định giá trị để giao tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia cho đối tượng quản lý còn rất chậm.
Nguyên nhân là do kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện chưa nghiêm; nhận thức pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ và Nhân dân chưa đầy đủ; còn có hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số nơi chưa đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan tham mưu trong tổ chức thực hiện, chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Sự phối hợp giữa các cơ quan ở cả trung ương, địa phương nhiều trường hợp còn chưa chặt chẽ, không kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Hiệu lực, hiệu quả thực hiện công vụ chưa đáp ứng yêu cầu.