Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH: Đau xót giáo viên bỏ nghề vì lương thấp, áp lực lớn và quá nhiều cải cách

(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, giáo viên bỏ nghề là do áp lực, khối lượng công việc hiện nay bị tăng thêm gấp 2 -3 lần nhưng lương vẫn ở mức cũ.

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – đoàn Hải Dương chỉ ra các nguyên nhân khiến nhiều giáo viên bỏ nghề thời gian qua. Không chỉ do lương thấp, nhiều giáo viên chia sẻ áp lực dạy học lớn, môi trường làm việc không tạo được động lực khiến họ từ bỏ nghiệp nhà giáo.

- Cả nước đang thiếu hơn 95.000 giáo viên nhưng tại sao các địa phương vẫn thực hiện tinh giảm biên chế. Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ này?

Khi tinh giản biên chế, không nên thực hiện đồng loạt, hay đưa ra chỉ tiêu đồng loạt áp dụng với tất cả các bộ, ngành và địa phương mà phải rà soát hết sức kỹ lưỡng cùng đánh giá tác động.

Tinh giản là cần thiết, đây là chủ trương đúng đắn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 18, nhưng cần phải tinh giản đúng và trúng. Chúng ta không thể giao chỉ tiêu đồng loạt theo kiểu mỗi ngày, mỗi tháng giảm bao nhiêu %, hay mỗi địa phương phải giảm bao nhiêu %.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.

Nếu không có định hướng, các địa phương sẽ thực hiện chia đều cơ học cho các ngành, dẫn đến bất cập chỗ cần giảm nhiều thì chúng ta giảm ít, chỗ cần thu gọn thì lại không gọn, mà chỗ đang thiếu lại vẫn phải giảm theo chỉ tiêu. Điều này gây nên bất cập lớn, do vậy cần rà soát, đánh giá tác động thực sự thận trọng và kỹ lưỡng.

Theo tôi, chúng ta cũng nên mạnh dạn đổi mới và thực hiện chủ trương này, khu vực nào có thể gọn được nhiều thì giảm, không thể cào bằng như hiện nay. Bởi việc cào bằng nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề tinh giản bộ máy ngày tình trạng thừa thiếu cục bộ ngày càng nghiêm trọng.

- Nhiều đại biểu đề xuất, để hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ khu vực công sang tư cần tăng lương hoặc tuyển dụng mới các nhân sự. Bà có chung đề xuất này?

Bài toán tăng lương được nhiều đại biểu và các chuyên gia đề cập đến. Tôi cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhiều lần tổ chức giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri riêng với các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương. Các cử tri tâm sự, quyết định bỏ nghề xuất phát từ 2 lý do chứ không chỉ vì lương thấp.

Thứ nhất, lương của ngành giáo dục hiện quá thấp so với áp lực công việc. Chúng ta cần phải xem xét cải tiến lương cho giáo viên sao cho tương xứng với công sức mà họ bỏ ra.

Áp lực, khối lượng công việc của các giáo viên hiện nay bị tăng thêm gấp 2 -3 lần so với trước đây nhưng lương vẫn ở mức cũ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga

Thứ hai, giáo viên phản ánh áp lực công việc ngày càng cao khiến họ cảm thấy không thiết tha với nghề. Cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới thì phần công việc của họ tăng lên rất lớn. Để phục vụ mỗi giờ lên lớp, giáo viên phải đọc rất nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau thay vì một bộ sách như trước kia. Điều này khiến khối lượng công việc của giáo viên tăng thêm nhiều.

Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới thay đổi, giáo viên muốn đáp ứng, theo kịp được thì phải đầu tư nhiều công sức, thời gian việc tìm hiểu, soạn giáo án, tìm phương pháp mới, rất mất thời gian.

Rõ ràng áp lực, khối lượng công việc của các giáo viên hiện nay bị tăng thêm gấp 2 -3 lần so với trước đây, song lương vẫn ở mức cũ. Có nghĩa là ngành giáo dục mới chỉ đổi mới công việc mà chưa đổi mới thù lao. Vì vậy giáo viên nói họ cảm thấy mệt mỏi và dẫn đến quyết định bỏ nghề.

Thêm nữa, hiện nhiều áp lực khác trong mối quan hệ với phía phụ huynh và học sinh. Nhiều thầy cô tâm sự họ thà đi làm công việc lương thấp hơn nhưng đơn giản và không phải chịu nhiều áp lực như nghề giáo viên hiện nay. Đây là một hiện tượng rất đáng buồn và đau xót.

Tôi tin chắc họ ở trong tình thế là cực chẳng đã mới lựa chọn như vậy. Tất cả những người được đào tạo ra làm giáo viên đều có tình yêu nghề rất lớn, cho nên trong tình huống không thể nào khắc phục được thì họ mới lựa chọn như vậy.

Hiện tượng này diễn ra ngày càng phổ biến, không chỉ ở thành phố mà nông thôn cũng đang có tình trạng trên. Do đó, tôi và nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT… cần phải suy nghĩ rất nghiêm túc và sớm tìm giải pháp đồng bộ khắc phục về vấn đề này.

Giáo viên đang chịu nhiều áp lực. (Ảnh minh họa)

- Ngoài nguyên nhân tiền lương thấp, áp lực lớn thì với giáo viên, đặc biệt là những người giỏi cần môi trường, tức là có đất dụng võ? 

Chúng ta nói rất nhiều đến việc làm thế nào để thu hút nhân tài ở các lĩnh vực khác nhau nhưng dường như lại quên chưa chú ý đến ngành Sư phạm. Mới chỉ 2 -3 địa phương thông báo chiêu mộ nhân tài với mức lương khủng, nhưng chỉ dừng lại ở thu hút người có học hàm, học vị cao như giáo sư, phó giáo sư, hay các chuyên gia mà quên đi đội ngũ giáo viên có thành tích xuất sắc trong năm học, như dạy đội tuyển có học sinh đạt giải cao.

Ngành giáo dục nhiều địa phương hiện nay còn chưa có thêm ưu đãi gì với đội ngũ giáo viên. Thậm chí, tiêu chuẩn để xác định đội ngũ giáo viên giỏi cũng chưa cụ thể, mới đánh giá qua việc hằng năm tổ chức thi dạy giỏi hay các cuộc họp, hội thảo. Tôi cho rằng chúng ta cần chế độ và ưu đãi thực sự xứng đáng với giáo viên.

Để giải quyết tình trạng nhiều giáo viên hiện nay bỏ nghề, chúng ta cần giải pháp tổng thể hơn là tập trung giải quyết vướng mắc đơn lẻ nào đó. Tôi lấy ví dụ, giải pháp tiền lương hay thu hút, ưu đãi nhân tài cũng chỉ là một trong số các giải pháp, nhưng còn giải pháp tổng thể thì cần nghiên cứu kỹ hơn.

Thứ nhất, việc đổi mới giáo dục, chương trình phổ thông mới, sách giáo khoa. Những đổi mới rất cần thiết nhưng ngành giáo dục đang đổi mới liên tục, quá nhiều và quá thường xuyên. Điều này tạo áp lực  lớn cho giáo viên.

Chúng ta cần sự ổn định trong giai đoạn nhất định 5 - 10 năm trở lên. Ngay việc dạy học, đánh giá, thi cử thế nào cũng cần ổn định. Thay đổi nhiều sẽ gây xáo trộn không tốt đến học sinh và tạo nên áp lực không đáng có với giáo viên.

Hôm nay chúng ta có quy định này, ngày mai chúng ta lại quy định khác, mỗi lần thay đổi quy định là một lần áp lực dội vào giáo viên.

Thứ hai, vấn đề nâng cao giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường. Cách ứng xử văn hóa giữa phụ huynh, học sinh với giáo viên cũng rất cần quan tâm. Có những vụ mức độ nhỏ giữa giáo viên và học sinh trong lớp nhưng phụ huynh lại vào cuộc, phản ứng khá cực đoan, thái quá, khiến thầy cô cũng bị áp lực.

Nhiều giáo viên than, bây giờ không biết lên lớp dạy học sinh thế nào. Ngày xưa các cụ nói “yêu cho roi cho vọt”, bây giờ giáo viên không dám trách mắng nặng nề, bởi sợ sẽ khiến bậc phụ huynh nổi nóng. Trong khi ở nhà, các phụ huynh sử dụng rất nhiều các biện pháp khác nhau.

Kết quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng của học sinh cũng lại đổ hết lên đầu giáo viên. Họ phải chịu trách nhiệm trước điều đấy nên cũng thấy rất áp lực.

Chính phủ và Bộ GD&ĐT cần sớm giải quyết được sự ngột ngạt trong môi trường giáo dục hiện nay để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, giúp họ cảm thấy thoải mái và yêu nghề.

Nói chung chúng ta cần phải tạo ra môi trường làm việc thuận lợi và an toàn cho giáo viên. Từ xưa đến nay, ngành giáo dục luôn nêu cao khẩu hiệu “Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui” đối với học sinh, thì cũng nên nghĩ đến việc làm sao mỗi ngày đến trường cũng là một ngày vui đối với giáo viên.

- Xin cảm ơn đại biểu!

Theo thống kê của Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT, đội ngũ giáo viên là lực lượng hùng hậu nhất với khoảng 1,2 triệu người trên tổng số 1,7 triệu biên chế viên chức cả nước. Tuy nhiên, trong 2,5 năm qua, ngành giáo dục ghi nhận 14,427 giáo viên mầm non và phổ thông nghỉ việc. Như vậy tính trung bình cứ 200 giáo viên thì có 1 người nghỉ việc ở trường công lập.

Hà Cường

Tin mới