
Cuốn Lịch sử Quân sự Việt Nam chép: Ngày 8/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được thành lập, gồm Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng, Chính ủy; các phó Tư lệnh là các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện, Lê Quang Hòa (Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị); Lê Ngọc Hiền, Quyền Tham mưu trưởng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh phụ trách công tác nổi dậy của quần chúng. Đồng chí Võ Văn Kiệt phụ trách công tác tiếp quản sau giải phóng. Sau đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đề nghị Bộ Chính trị cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh và đã được chấp thuận.
Bộ đội lên máy bay vận tải vào miền Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Các đơn vị tham gia chiến dịch tiến công Sài Gòn-Gia Định bắt đầu hình thành thế bao vây chia cắt, áp sát Sài Gòn. Đoàn 232 tiến công Tân An. Sư đoàn 3, Sư đoàn 5 tiêu diệt các vị trí Bến Cầu, Mộc Bài, An Thạnh, Trà Cao, Ba Quéo, mở đường đưa lực lượng xuống Khu 8. Binh đoàn Cửu Long phối hợp với lực lượng vũ trang quân khu 7 bắt đầu tiến công thị xã Xuân Lộc.
Sáng 8/4/1975, phi công Nguyễn Thành Trung (cơ sở nội tuyến của cách mạng trong lực lượng không quân Quân đội Sài Gòn) lái máy bay F5E ném bom Dinh Độc Lập, sau đó hạ cánh an toàn xuống sân bay dã chiến vùng giải phóng Phước Long.
Cùng ngày, Đoàn 232 (đơn vị chủ lực Miền, quy mô cấp quân đoàn, thành lập đầu tháng 2/1975) do Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu làm Tư lệnh, Đại tá Trần Văn Phác làm Chính ủy, đánh chiếm các vị trí Bến Cầu, Mộc Bài, An Thạnh, Trà Cao, Quéo Ba, mở đường đưa lực lượng chủ lực xuống vùng đồng bằng Khu 8, hình thành thế bao vây, chia cắt chiến lược, cô lập Sài Gòn với Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Xuân Lộc, địch tổ chức hệ thống phòng ngự kiên cố để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông, ngăn chặn đường tiến quân của ta về Sài Gòn. Họ dùng toàn bộ Sư đoàn 18, tăng cường lữ đoàn kỵ binh 3, một lữ đoàn dù, các tiểu đoàn pháo binh trực thuộc và khả năng cao nhất của không quân ở sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, quyết "tử thủ" Xuân Lộc đến cùng.
Tại Ninh Thuận, sau khi Đại đội 311 đặc công làm chủ ngã ba đường vào sân bay, ngày 8/4/1975, địch từ sân bay kéo đến phản kích. Đại đội đã cùng nhân dân xóm Dừa, ấp Đô Vinh, kiên cường chiến đấu suốt ngày.
Cùng ngày, Trung đoàn 812 chủ lực Quân khu 6 cùng với Tiểu đoàn 200C và lực lượng địa phương tiến công tiêu diệt chi khu quân sự Thiện Giáo (Ma Lâm), một vị trí quan trọng trên tuyến phòng thủ tây bắc thị xã Phan Rang.
Ở Tây Nam Bộ, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Miền, để phối hợp hoạt động với Xuân Lộc, dù không đủ thời gian chuẩn bị nhưng ngày 8/4/1975, Quân khu 9 vẫn ra lệnh tiến công sân bay Trà Nóc (Cần Thơ). Sư đoàn 4 chiến đấu quyết liệt với địch ở lộ Vòng Cung, Trung đoàn 10 (thuộc Sư đoàn 4) và Tiểu đoàn 2 Tây Đô vượt qua lộ vòng cung, đánh sân bay Trà Nóc.
Cùng lúc, lực lượng biệt động thành đội Cần Thơ và bộ phận pháo Quân khu đánh vào 2 sân bay Trà Nóc và Lộ Tẻ để Sư đoàn 4 phát triển đánh sân bay và tiến công vào thành phố Cần Thơ.
Tại Long Châu Hà, ngày 8/4/1975, Trung đoàn 101 được lệnh chuyển về Cần Thơ, nằm trong đội hình Sư đoàn 4, làm đội dự bị. Hai tiểu đoàn độc lập ở lại tiếp tục diệt phân chi khu xã Phú Nhuận và hai đồn giải phóng kinh xáng Mốp Văn dài 10km.
Các tỉnh miền Nam đồng loạt nổi dậy và tiến công trong tháng 4/1975. (Ảnh tư liệu: Nhân dân)
Ngày 8/4/1975, Trung đoàn 116 đặc công đánh chiếm Trường Sĩ quan thiết giáp Nước Trong, dùng hỏa lực bắn phá trại biệt kích Lôi Hổ, Yên Thế và căn cứ Long Bình. Cùng lúc đó, Trung đoàn 113 đánh và phá hủy kho bom Bình Ý, dùng ĐKB và cối bắn phá sân bay Biên Hòa.
Chấp hành nhiệm vụ vận chuyển quân và vũ khí đạn dược vào miền Nam, ngày 8/4/1975, đội hình thứ ba gồm 100 xe của Trung đoàn ô-tô 11 và 13 thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn cơ động cùng Sư đoàn Phòng không 367 với cơ số xăng dầu, đạn dược cùng toàn bộ binh khí kỹ thuật của Quân đoàn 1 tiến thẳng từ Vĩnh Chấp hướng đến Đồng Xoài.
Cùng ngày, Sư đoàn ô-tô 471 Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận mệnh lệnh nhanh chóng tổ chức cơ động Quân đoàn 3 và một Sư đoàn của Quân đoàn 1 vào Nam Bộ. Đồng thời, Sư đoàn phải chuyển gấp 6.100 tấn đạn hỏa lực ngoài kế hoạch cho chiến dịch (trong số này phần lớn là đạn pháo 130mm và 122mm đang tập kết rải rác ở Sê Sụ, ở Trao (tỉnh Quảng Nam) và ở Cảng Đà Nẵng.