Do dịch bệnh bùng phát mạnh tại TP.HCM, nên từ đầu tháng 5 đến nay học sinh trên địa bàn thành phố vẫn phải học trực tuyến tới hết học kỳ 1.
Giáo viên mệt mỏi, quá tải
Học sinh không trả lời, không tương tác, giáo viên độc thoại,… là thực trạng chị Thu Nguyệt, giáo viên một trường THPT ở quận Tân Bình (TP.HCM) gặp phải trong quá trình dạy trực tuyến. Những giờ học như vậy kéo dài khiến chị Nguyệt cảm thấy bất lực và mệt mỏi.
“Gọi đến 3-4 lần mà học sinh không trả lời, mình dạy học mà không có tương tác, mình nói rồi mình nghe như độc thoại, mệt mỏi, áp lực lắm, thực sự học trực tuyến hiệu quả không cao”, chị Nguyệt chia sẻ.
Ảnh minh hoạ.
Theo Công văn 2379 ngày 31/8 của Sở GD&ĐT TP.HCM về hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học đầu năm học 2021 - 2022, Sở đã quy định thời lượng trong dạy học qua môi trường Internet, tuyệt đối không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống hoàn toàn với thời khóa biểu học trực tiếp, sẽ gây quá tải cho người dạy, người học và không phát huy được hiệu quả của việc học tập trên Internet.
Thời lượng dạy học được tính bằng tổng thời lượng tổ chức khóa/chủ đề dạy học gồm các hoạt động: chuyển giao nhiệm vụ học tập, giám sát, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập, tổng kết, kết luận, đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu học.
Tuy nhiên, theo chị Nguyệt, hiện trường chị vẫn áp dụng thời khóa biểu bình thường như khi học trực tiếp cho dạy học trực tuyến, không cắt giảm tiết học cũng như thời lượng dạy học. Điều này khiến chị và không ít giáo viên khác bị áp lực về thời gian, căng thẳng, mệt mỏi và quá tải trong dạy học.
“Trường đồng nghiệp tôi dạy trực tuyến giảm tiết, ví dụ như môn học 2 tiết/tuần thì giảm xuống 1 tiết, 50% giao bài còn 50% thực dạy. Nhưng trường tôi thực dạy 100%, không đúng với công văn của Sở, giáo viên đã gặp khó khăn dạy trực tuyến như em có míc (âm thanh) em không, em tiếng thì lại không có cam (hình ảnh),… giờ lại còn áp lực về thời gian, học trực tuyến mà dạy như bình thường, cố hoàn thành nhưng không hiệu quả được, quá tải, căng thẳng”, chị Nguyệt nói.
Không phải độc thoại hay quá tải thời lượng dạy học như chị Nguyệt, chị Kim Ngân, giáo viên một trường THCS ở quận 7 lại gặp phải những tình huống “dở khóc dở cười” đến căng thẳng, mệt mỏi khi dạy trực tuyến.
Theo chị Ngân, qua màn hình trực tuyến khó mà bao quát được hết học sinh có chăm chú nghe giảng hay không, giáo viên giảng bài nhưng học sinh lại làm việc riêng, nhắc nhở nhưng học sinh không tập trung khiến cho buổi học không đạt kết quả tốt.
“Tôi đang giảng bài thì có tiếng nhạc vang lên, nhắc được em này thì lại có tiếng phim truyền hình ở màn hình của em khác, thật sự “dở khóc dở cười”, đau đầu với học sinh lắm, nhiều lúc tôi cũng bất lực lắm, chỉ biết “kêu trời” nhưng không thể bỏ giở vì các em không học trực tiếp là thiệt thòi. Hơn nữa tự học ở nhà khó tránh khỏi sao nhãng, ham chơi”, chị Ngân nói
Theo chị Ngân, dạy trực tuyến khác với học trên lớp nếu giáo viên không thay đổi nhanh theo hướng sử dụng công nghệ rất dễ "mất phương hướng” dạy học. “Thực tế thời gian đầu tôi cũng mất phương hướng trong cách dạy vì quen theo truyền thống. Trên lớp mình có thể nói trực tiếp với học sinh, các em nghe lời hơn, còn đây qua mạng rất khó nói các em nghe, đó là cái căng thẳng của giáo viên, giáo viên stress nặng nếu cứ kéo dài học qua Internet này”, chị Ngân chia sẻ.
PGS.TS Trần Thành Nam.
Phải thay đổi
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, rất nhiều giáo viên cũng phải đương đầu với những stress do đại dịch mang lại như áp lực kinh tế, áp lực công việc thời giãn cách và áp lực chăm sóc con cái, học sinh; mất kết nối giữa người người, mất cảm giác về thời gian trôi đi, lo lắng về những mầm bệnh biến thể đang có trong cộng đồng… Tất cả khiến cho giáo viên căng thẳng và đuối sức không thể toàn tâm toàn ý cho dạy học.
Chuyển sang dạy học trực tuyến cũng tạo ra nhiều áp lực cho giáo viên. Giáo viên cần phải thay đổi so với dạy học trực tiếp, từ dạy truyền thống sang dạy học sử dụng công nghệ.
“Trong lớp học trực tuyến giáo viên không còn là người truyền đạt kiến thức nữa mà phải trở thành người dẫn dắt, kiến tạo kiến thức cho học sinh. Rất nhiều vai trò mới phải thực hiện như hỗ trợ việc học tập của học sinh ở nhà; giúp đỡ về mặt tâm lý, phối hợp với phụ huynh trong hoạt động học tập của học sinh; thiết kế các chương trình dạy học cá nhân hóa cho từng học sinh, thiết kế bài giảng sử dụng công nghệ…. phải linh hoạt nhiều thứ nếu không giáo viên dễ áp lực, căng thẳng”, PGS Nam nói.
Giáo viên có thể sử dụng công cụ quản lý lớp học trực tuyến để quản lý sự tập trung và tạo tính kỷ luật hơn cho học sinh, giảm căng thẳng cho giáo viên. Các lớp học trực tuyến nên bắt đầu bằng khởi động vui nhộn tạo không khí vui vẻ, tạo cơ hội trò chuyện để tạo hứng thú bắt đầu bài học. Các bài dạy kiến thức mới nên thiết kế ngắn gọn, tối đa hóa dưới dạng trò chơi, đặt ra câu hỏi tạo sự quan tâm và tranh luận, sử dụng các ứng dụng để tăng tương tác.
"Thái độ của giáo viên trong tương tác với học sinh phải làm sao để mọi học sinh đều được chia sẻ và tôn trọng sự khác biệt giữa các em, giúp lớp học vui hơn, thoải mái hơn, từ đó tạo hiệu quả cao, bớt áp lực. Quan trọng là ngành giáo dục cần có những điều chỉnh nội dung chương trình học để giảm tải cho giáo viên, tránh kiệt sức”, ông Nam nói.