Năm 2019, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 42/QĐ-VHXH ngày 09/8/2019 thành lập Đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch và triển khai giám sát kết quả thực hiện hoạt động xã hội hóa trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay.
Hoạt động xã hội hóa y tế đã góp phần huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh khang trang, sạch sẽ, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; tạo điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác khám, chữa bệnh nhanh và hiệu quả, qua đó đã nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Theo đó, từ giai đoạn 2010 - 2016: Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và một số bệnh viện chuyên khoa (Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Y dược cổ truyền & Phục hồi chức năng)... đã thực hiện dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại thuộc lĩnh vực hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, chẩn đoán hình ành, thăm dò chức năng, hệ thống xét nghiệm; đồng bộ và nâng cấp cơ sở vật chất Khoa khám bệnh, Khoa hồi sức cấp cứu, Phòng mổ, Khu điều trị chất lượng cao….
Trung tâm Sản Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Giai đoạn 2016 - 2019: Đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động một số trung tâm trực thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh như Sản Nhi, Đột quỵ, Tim mạch, Huyết học và truyền máu. Đầu tư xây dựng các khu nhà điều trị nội trú chất lượng cao theo mô hình đối tác công tư tại các cơ sở tuyến huyện; quy mô từ 100 - 200 giường bệnh xã hội hóa/khu nhà điều trị, với tổng mức đầu tư từ 70 - 100 tỷ đồng/khu nhà điều trị.
Trong đó 5 khu nhà điều trị của Trung tâm Y tế (Cẩm Khê, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập) đã đi vào hoạt động trong quý I/2019; các khu nhà điều trị của Trung tâm Y tế Lâm Thao, Phù Ninh, Tân Sơn, Tam Nông, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Bệnh viện đa khoa thị xã Phú Thọ đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến quý IV/2019 đưa vào hoạt động.
Trong quá trình thực hiện xã hội hóa tại các cơ sở y tế công lập, nhìn chung không để xảy ra tình trạng nợ đọng, chậm trả. Giai đoạn 2015 đến nay, kinh phí mua sắm trang thiết bị của các bệnh viện khoảng 1.000 tỷ đồng, nguồn vốn chủ yếu từ nguồn vốn vay ngân hàng và một phần kinh phí thu từ dịch vụ khám chữa bệnh; đơn vị chỉ trả gốc, lãi vốn vay theo định kỳ hàng tháng, hoạt động thường xuyên của đơn vị được đảm bảo, đời sống cán bộ được nâng lên.
Xã hội hóa góp phần tăng nhanh số cán bộ y tế. Đến nay, toàn ngành y tế có 6.589 cán bộ y tế (tăng 2.140 cán bộ y tế so với năm 2015). Trong đó, có 600 cán bộ y tế trình độ sau đại học; 2.100 cán bộ y tế trình độ đại học; 3.000 cán bộ y tế trình độ cao đẳng, trung cấp.
Chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng lên, hầu hết các chỉ tiêu về y tế được thực hiện đảm bảo theo tiến độ kế hoạch; hệ thống y tế các tuyến được củng cố, kiện toàn. Các bệnh truyền nhiễm được kiểm soát chặt chẽ, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện thực hiện thành thạo các kỹ thuật cấp cứu nội, ngoại, sản, nhi, chấn thương.
Bệnh viện đa khoa tỉnh đã thực hiện gần 50% các kỹ thuật vượt tuyến; các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện thực hiện được từ 15 đến 30% kỹ thuật vượt tuyến. Số lượt khám, chữa bệnh của người dân tăng qua các năm. Năm 2015, số lượt khám chữa bệnh là 1.254.822 lượt, 6 tháng năm 2019 là 871.619 lượt. Từ năm 2015 đến 6 tháng năm 2019, tống số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú là 5.566.953 lượt; tổng số lượt khám, chữa bệnh nội trú là 1.221.379 lượt.