Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển bền vững

(VTC News) -

Đường lối nhất quán của Nhà nước Việt Nam là đặt trẻ em vào trọng tâm ưu tiên của đầu tư cho xã hội, đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển bền vững.

Với nhận thức trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo và dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện; nhận thức về công tác trẻ em của các cấp, các ngành, toàn xã hội được quan tâm và ngày càng nâng cao; các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn; những vấn đề phát sinh về trẻ em được chú trọng giải quyết.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (vào ngày 20/2/1990). Những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống hàng triệu trẻ em.

Ngày càng có nhiều trẻ em được pháp luật bảo vệ, được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập những kiến thức và kỹ năng cần thiết ngay từ trường mầm non và được ưu tiên hưởng chính sách phúc lợi.

Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển bền vững.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 là một bước tiến bộ về bảo đảm quyền trẻ em với một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em.

Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nền tảng nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về Quyền trẻ em.

Các bộ luật, luật khác trong quá trình sửa đổi, bổ sung cũng luôn cập nhật, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn các thông lệ và chuẩn mực quốc tế có liên quan đến quyền trẻ em, như: Hình sự, Tố tụng hình sự, Xử lý vi phạm hành chính, Lao động, Hôn nhân và gia đình, Tổ chức tòa án nhân dân…

Đường lối nhất quán của Nhà nước Việt Nam là đặt trẻ em vào trọng tâm ưu tiên của đầu tư cho xã hội, đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển bền vững và chuẩn bị tốt nhất cho nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, những thay đổi trên toàn cầu, như sự phát triển của công nghệ số, biến đổi của môi trường sống, di cư ồ ạt đang đạt ra những thách thức mới trong bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em.

Ở Việt Nam, một số trẻ em và người chưa thành niên phải sống trong các điều kiện thiếu thốn, chưa thực sự an toàn.

Đô thị hóa và di cư dẫn đến tình trạng trẻ em nông thôn thiếu sự chăm sóc, bảo vệ của cha mẹ. Trẻ em cùng cha mẹ đến đô thị, khu công nghiệp khó tiếp cận dịch vụ cơ bản có chất lượng; giáo dục, đặc biệt giáo dục mầm non thiếu và không đảm bảo tiêu chuẩn; không được khai sinh; không tiếp cận được bảo hiểm y tế; gia tăng tai nạn thương tích do thiếu giám sát của gia đình...

Trong khi đó, trẻ em ở đô thị cũng chịu áp lực do thiếu hạ tầng dịch vụ giáo dục, y tế, vui chơi giải trí; môi trường sống thiếu an toàn (tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường…).  

Cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển internet, mạng xã hội một mặt tạo môi trường để trẻ em phát triển trí tuệ, giao tiếp xã hội nhanh hơn thì cũng đồng thời làm gia tăng các nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc, thiếu chuẩn mực; bị bạo lực, xâm hại trên và thông qua môi trường mạng.

Trẻ em còn là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và dai dẳng của biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường khắc nghiệt, suy giảm nguồn tài nguyên.

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực kiên trì, cùng với những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội, Việt Nam đang ngày càng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, để xây dựng một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em phát triển, ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em, chúng ta cần tập trung trước hết vào môi trường gia đình và môi trường giáo dục trong nhà trường.

Trong đó cần tập trung vào giải pháp trong giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, nhất là đối với nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại.

Việc xây dựng được môi trường gia đình vững chắc và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn để trẻ em được trang bị kiến thức kỹ năng và có ý thức tự bảo vệ mình sẽ ngăn chặn được các nguy cơ xâm hại từ môi trường xã hội.

Thiếu Huyền

Tin mới