Ung thư xương là một căn bệnh đáng sợ. Nó có thể bắt đầu ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và lây lan sang các bộ phận khác khi bước vào giai đoạn tiến triển. Việc phòng ngừa và phát hiện những mầm mống ung thư từ sớm sẽ giúp cho việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Nguy cơ mắc một số loại ung thư có thể được giảm thiểu bằng cách áp dụng lối sống lành mạnh hơn như thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường hoạt động thể chất, hạn chế tiếp xúc với hóa chất ô nhiễm và một số thói quen lành mạnh khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đó không có tác dụng trong một số trường hợp ung thư xương thông thường.
Theo đó, nguy cơ mắc bệnh ung thư xương tăng theo tuổi tác, rối loạn di truyền như hội chứng Li-Fraumeni và u nguyên bào võng mạc di truyền, một số rối loạn xương như bệnh Paget xương hoặc tiếp xúc với liều lượng bức xạ cao. Vậy, có cách nào để giảm nguy cơ ung thư xương?
Xương bình thường (bên trái) và ung thư xương (bên phải).
"Trong khi nguy cơ ở nhiều loại ung thư như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi... có thể được giảm bớt bằng cách thay đổi lối sống thì đối với ung thư xương, đặc biệt là ung thư nguyên phát, sẽ không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh", Tiến sĩ Vijay Agarwal, Trưởng nhóm Tư vấn - Khoa Ung bướu, Bệnh viện Aster RV, Bangalore, Ấn Độ chia sẻ trên HT Digital.
"Những yếu tố nguy cơ này không thể thay đổi và cũng không có sự thay đổi lối sống nào được coi là nguyên nhân gây ra ung thư xương nguyên phát".
Theo các bác sĩ, cách để giảm nguy cơ phát triển ung thư xương nói chung là giảm khả năng di căn của xương. Điều này có thể được thực hiện bằng cách duy trì lối sống lành mạnh. "Hút thuốc và uống quá nhiều rượu là hai yếu tố có thể làm hỏng hệ miễn dịch và dẫn đến tăng nguy cơ phát triển ung thư".
Các triệu chứng của ung thư xương
Ung thư trong xương còn được gọi là ung thư xương. Ung thư xương có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Các triệu chứng phổ biến của ung thư xương bao gồm đau tại chỗ, mệt mỏi, sốt, sưng tấy bất thường ở một số vùng nhất định và khó cử động một bộ phận cơ thể.
Ung thư xương nguyên phát phát sinh từ các tế bào của xương và được gọi là sarcoma. Trong các bệnh ung thư di căn xương, ung thư phát sinh từ các cơ quan khác nhau như vú, phổi, tuyến giáp, thận, tuyến tiền liệt,… rồi di căn vào xương.
Đau tại chỗ là dấu hiệu đầu tiên của ung thư xương.
Tầm quan trọng của việc giữ xương chắc khỏe
Để xương luôn chắc khỏe, cần phải duy trì việc thể dục thường xuyên. Bổ sung canxi;, các loại rau xanh như bông cải xanh (súp lơ), cải ngọt; protein như sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa tươi; các nguồn protein béo như cá... cũng góp phần giúp xương thêm chắc khỏe.
Chuyên gia cũng gợi ý các bài tập giúp xương chắc khỏe, chẳng hạn như các bài tập chịu trọng lượng và sức đề kháng, các hoạt động tim mạch như chạy, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu hoặc các trò chơi như bóng quần, quần vợt...
"Phát hiện sớm là cách tốt nhất để có điều trị hiệu quả. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ các triệu chứng để kịp thời phát hiện ung thư xương", TS Agarwal kết luận.