Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dấu hiệu u não ác tính

(VTC News) -

Bệnh u não ác tính có mức độ nguy hiểm cao, có thể đe dọa đến tính mạng của người mắc, dưới đây là dấu hiệu nhận biết u não ác tính.

Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, u não ác tính là loại u có chứa tế bào ung thư, gồm 2 loại là nguyên phát (bắt đầu từ não) và thứ phát (bắt đầu từ những vị trí của cơ thể ở bên ngoài não và di căn đến não). 

Khối u não ác tính có sự phát triển nhanh, khả năng tấn công và di căn tới các tế bào khỏe mạnh ở những vùng lân cận của cơ thể bệnh nhân. Vì thế, đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, tác động tới sức khỏe và đe dọa sự sống của bệnh nhân.

Tùy thuộc vào những yếu tố như loại u, vị trí, kích thước, tốc độ phát triển của khối u mà bệnh u não ác tính có thể gây ra những triệu chứng không giống nhau. (Ảnh minh họa)

Những người có thành viên trong gia đình từng mắc bệnh đối diện rủi ro bị u não ác tính. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác cũng có thể dẫn đến căn bệnh này như có sự tiếp xúc thường xuyên với bức xạ như trải qua quá trình xạ trị ung thư hoặc tiếp xúc với những hóa chất gây hại như thuốc trừ sâu.

Bên cạnh đó, người bệnh bị ung thư vú, ung thư phổi... cũng có rủi ro di căn lên não.

Các triệu chứng của bệnh u não ác tính

Tùy thuộc vào những yếu tố như loại u, vị trí, kích thước, tốc độ phát triển của khối u mà bệnh u não ác tính có thể gây ra những triệu chứng không giống nhau. 

- Đau đầu trầm trọng: 

Đây là dấu hiệu phổ biến nhất cảnh báo căn bệnh này. Sự xuất hiện của khối u não ác tính khiến cho các mạch máu cũng như sợi thần kinh nhạy cảm trong não bị ảnh hưởng. Từ đó, người bệnh phải chịu đựng tình trạng đau đầu với các biểu hiện không giống với khi bị đau đầu thông thường.

Cụ thể, có dấu hiệu đau dai dẳng dù người bệnh dùng thuốc giảm đau thông thường nhưng không đem lại hiệu quả, có thể kèm theo bị nôn, buồn nôn. Tình trạng đau nhiều hơn ở thời điểm buổi sáng khi thức dậy, hoạt động mạnh lúc tập luyện thể dục thể thao hoặc khi thay đổi tư thế. 

 - Xuất hiện cảm giác tê bì, yếu liệt ở bàn chân, bàn tay.

- Xuất hiện cơn động kinh.

- Mất thăng bằng.

- Thị lực bị ảnh hưởng như bị suy giảm thị giác, nhìn mờ. 

- Thay đổi về hành vi, tính cách, tâm trạng trở nên không ổn định và biến đổi bất thường, không thể kiểm soát, dễ cáu gắt thất thường.

- Bị suy giảm trí nhớ, hay quên, mất tập trung.

- Cơ thể cảm giác mệt mỏi, kiệt sức.

Cách phòng ngừa bệnh

Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn chia sẻ, các bạn nên thực hiện một số biện pháp để có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh như hạn chế sự tiếp xúc với môi trường có nhiều bức xạ; trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ khi làm việc trong môi trường có chứa hóa chất độc hại; xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học; duy trì thực hiện một lối sống sinh hoạt lành mạnh.

Ngoài ra, các bạn cần hạn chế uống rượu bia, bỏ thói quen hút thuốc lá; tích cực tập luyện thể dục thể thao; thư giãn tinh thần, tránh tình trạng căng thẳng... 

Các bạn cũng đừng bỏ qua việc định kỳ đi thăm khám sức khỏe và tầm soát ung thư để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. 

Thanh Hải

Tin mới