Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dấu hiệu cảnh báo thận bị hỏng

(VTC News) -

Suy thận ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện, do triệu chứng không rõ ràng, có những bệnh nhân chỉ thấy hơi mệt, phù nhẹ nhưng khi đi khám bệnh đã ở giai đoạn cuối.

Suy thận mãn tính ngày càng tăng và đang có xu hướng trẻ hóa do nhiều người có lối ăn uống thiếu kiểm soát, thói quen ít vận động, stress… Sự chủ quan không có ý thức bảo vệ hai quả thận khiến cho nhiều người phải trả giá đắt.

Bs Quách Phước Lộc - Khoa Nội Thận – Thận Nhân Tạo– Bệnh viện Thủ Đức, TP.HCM cho biết cứ mỗi 10 người sẽ có 1 người bị bệnh thận mãn tính, tần suất mắc bệnh đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Chi phí của các phương pháp điều trị cao và chỉ 10 – 20% bệnh nhân suy thận mãn tính giai đoạn cuối ở các nước phát triển được điều trị thay thế thận.

Bệnh thận mãn tính nếu không được điều trị sẽ dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối, phải điều trị thay thế thận (chạy thận nhân tạo, ghép thận hay thẩm phân phúc mạc). Điều trị kịp thời bệnh thận mãn tính sẽ giúp ổn định tình trạng bệnh, tránh tiến triển đến giai đoạn muộn hơn hoặc kéo dài thời gian trước khi cần điều trị thay thế thận.

 

Theo bác sĩ Lộc suy thận mãn tính thường do bệnh đái tháo đường, bệnh tăng huyết áp nhưng không được kiểm soát, điều trị tốt.

Ngoài ra, những người bệnh cầu thận như hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh hệ thống,... Bệnh ống kẽ thận mạn do nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn, bệnh thận tắc nghẽn, bệnh thận do ngộ độc thuốc và bệnh nang thận.

Khi bị suy thận sẽ khiến rối loạn nước – điện giải – thăng bằng toan kiềm: rối loạn chuyển hóa natri, rối loạn chuyển hóa kali, toan chuyển hóa, rối loạn chuyển hóa calcium và phospho,…

Ngoài ra, suy thận mãn tính còn gây ra các biến chứng như rối loạn về tim mạch: Tăng huyết áp và dày thất trái, suy tim sung huyết, bệnh mạch máu, bệnh màng ngoài tim…

Rối loạn về huyết động: Thiếu máu, rối loạn đông máu, rối loạn chức năng bạch cầu,…rối loạn tiêu hoá, dinh dưỡng. 

Bệnh nhân khi bị suy thận mãn tính không có cách nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh nhân suy thận thường diễn biến rất chậm, chỉ có biểu hiện khi ở giai đoạn cuối.

Các dấu hiệu thường chỉ xuất viện khi bệnh thận tiến triển nặng: Mệt mỏi, ăn kém, khó ngủ, nôn ói, tiểu ít, phù, ngứa, khó thở, đau ngực, tăng huyết áp, chóng mặt,… 

Khi đó bệnh nhân đi khám, các bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, định lượng creatinine máu, siêu âm tổng quát

Việc điều trị suy thận mạn tính hiện nay có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng.

Người suy thận cần điều trị chế độ ăn, sinh hoạt. Đó là thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, rượu bia, tập thể dục hàng ngày, tránh các hoạt động mạnh, giảm lượng protein, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Để phòng suy thận mãn tính, bác sĩ Lộc khuyến cáo mọi người cần kiểm soát tốt các bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch…Có lối sống lành mạnh, tập thể dục, không sử dụng thuốc lá, bia, rượu, không dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, kểm tra chức năng thận định kỳ

BS Lộc khuyến cáo cần đi khám ngay khi có các triệu chứng bất thường: Mệt mỏi, ăn kém, khó ngủ, nôn ói, tiểu ít, phù, ngứa, khó thở, đau ngực, tăng huyết áp, chóng mặt.

Quỳnh Trâm

Tin mới