Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đau dạ dày vì bỏ bữa, ăn vội vàng

Những thói quen xấu kéo dài cùng với áp lực cuộc sống khiến nhiều người bị viêm loét dạ dày dù chưa đến 20 tuổi.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đồng Quang Tráng, Trưởng đơn vị tiêu hóa, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cho biết, người mắc bệnh lý dạ dày hiện có xu hướng ngày càng tăng do lối sống công nghiệp, chế độ ăn uống thiếu khoa học, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP cao… 

Vừa qua, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận một nữ sinh đang học lớp 12 (sinh năm 2005), ngụ tại TP Thủ Đức, đến khám vì đau vùng thượng vị. Theo mô tả, em đau quặn từng cơn, khi ăn no đau nhiều hơn khi đói. Tình trạng đau kéo dài đã ảnh hưởng đến việc ở năm cuối cấp khiến em càng căng thẳng hơn.

Khi nội soi, bác sĩ nhận thấy nữ sinh bị viêm xung huyết toàn bộ niêm mạc dạ dày, viêm trợt hang vị dạ dày, xét nghiệm HP (helicobacter pylori) dương tính. Nữ sinh tâm sự em thường thường xuyên bỏ bữa, ăn uống thất thường, uống nhiều cà phê duy trì sự tỉnh táo do việc học rất căng thẳng.

Bỏ bữa là thói quen xấu rất có hại cho dạ dày.

Bác sĩ Tráng nhận định sau một thời gian có chế độ ăn kém khoa học, áp lực học tập cùng với vi khuẩn HP tấn công, dạ dày của bệnh nhân đã gánh chịu tổn thương. 

Song song với việc điều trị vi khuẩn HP trong 6 tuần, nữ sinh cũng phải kiên trì thay đổi thói quen ăn uống, bảo vệ dạ dày tốt hơn. Khi tái khám, bệnh nhân đã hết vi khuẩn HP, tình trạng đau dạ dày giảm 90%.

Theo bác sĩ Tráng, người đến khám các bệnh lý như viêm loét, trào ngược dạ dày chủ yếu từ 20-40 tuổi, thậm chí ghi nhận nhiều học sinh, trẻ em cũng đến thăm khám. Bác sĩ lưu ý, do nhịp sống bận rộn, nhiều người có thói quen ăn vội vàng, bữa ăn kết thúc chỉ trong khoảng 5-10 phút. Việc này tạo gánh nặng rất lớn cho dạ dày.

Trước khi xuống dạ dày, thức ăn sẽ đi qua miệng, hầu họng, thực quản. Nếu ăn quá nhanh, quá gấp, thức ăn không được nghiền, làm nhỏ, băm nát từ khâu đầu tiên (ở miệng). Ở dạ dày, thức ăn thô cứng chưa được nghiền nhỏ khiến cơ quan này phải nhào trộn nhiều hơn, làm việc quá sức và gây tổn thương niêm mạc. 

Ngoài ra, stress cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu hóa. Stress khiến người bệnh thay đổi thói quen ăn uống, đồng thời, làm thay đổi quá trình tiết dịch vị và các axit dạ dày. Thông thường, các chất này tiết ra nhiều nhất khi ăn để hỗ trợ dạ dày nhào trộn, tiêu hóa thức ăn. Việc dịch vị và axit dạ dày tiết ra nhiều hơn, bất thường nên dễ gây ra viêm, loét. 

Người bệnh cần giảm các loại thức ăn chua, cay, đồ nhiều dầu mỡ hoặc quá nhiều gia vị. Cùng với điều trị, người bệnh phải điều chỉnh lối sống, bỏ các thói quen có hại cho dạ dày, ăn uống khoa học, dành thời gian tập luyện thể dục thể thao thay vì chơi điện tử hay điện thoại, giảm áp lực cho bản thân… 

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới