Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Báo động thực trạng học sinh 13-15 tuổi hút thuốc lá điện tử tăng

(VTC News) -

Kết quả điều tra năm 2022 cho thấy, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ở lứa tuổi 13-15 gia tăng đáng kể, từ 2,6% năm 2019 lên 3,5% năm 2022.

Tại Hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về phòng, chống tác hại thuốc lá tổ chức mới đây, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tác hại thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng; tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13-15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022.

Thuốc lá điện tử nhắm vào giới trẻ

Tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm 15-24 tuổi với tỷ lệ 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%. Trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, các sản phẩm thuốc lá được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức và thông qua nhiều kênh thông tin.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm mới này tại các nước trong đó có Việt Nam, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia đã đưa ra các thông tin gây hiểu nhầm cho người sử dụng qua quảng cáo các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường, giúp cai nghiện thuốc lá điếu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chứa nicotine, khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây cháy nổ, và pha trộn các chất khác vào dung dịch (ma tuý, cần sa).

Thứ trưởng Thuấn cũng cho rằng, thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua các trang mạng xã hội và internet.

 Có rất nhiều loại hương liệu độc hại có trong thuốc lá điện tử. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia lo ngại những thành tựu Việt Nam đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ. Nếu không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ.

Khi đó, Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, kinh tế, môi trường, đặc biệt là các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của thế hệ trẻ.

Cần hành động ngay

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) nhấn mạnh, nếu không hành động hôm nay, ngày mai chúng ta sẽ phải đối mặt với đại dịch của thuốc lá điện tử.

Một số nhóm giải pháp đặt ra, đó là nghiên cứu bổ sung các quy định về phòng chống thuốc lá nung nóng/thuốc lá điện tử vào Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và các văn bản dưới luật; đẩy mạnh truyền thông; nghiên cứu đánh giá và đưa ra bằng chứng tích cực hơn nữa và cùng các cơ quan truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về vấn đề này...

Tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ đã phát hiện có vitamin E trong thuốc là điện tử ở Việt Nam.

Theo nghiên cứu, vitamin E khi bị đốt cháy rất độc hại. Điều này cho thấy, có nguy cơ người dùng thuốc lá điện tử bị tổn thương phổi, thậm chí tử vong chỉ riêng do tổn thương phổi. Xa hơn nữa, Việt Nam cũng có thể có nguy cơ tái diễn một đợt bùng phát nhiều người bị tổn thương phổi và tử vong tương tự như ở Mỹ.

Các thành phần phụ gia khác trong thuốc lá điện tử cũng rất phức tạp, thay đổi theo thời gian, theo thị hiếu và rất tùy tiện, khi đốt nóng sinh ra các chất khác với tình trạng nhiễm độc và bệnh tật khác nhau.

Từ thực tế điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyên đề xuất, khẩn cấp cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để ngăn chặn việc hút thuốc lá ở giới trẻ cần có những biện pháp mạnh mẽ, như tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sức mua nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm thuốc lá, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên.

Ngoài ra, cần xây dựng môi trường không khói thuốc lá, đặc biệt lưu ý những khu vực công cộng mà giới trẻ hay đến như nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi; tăng cường thực thi các quy định cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại, và tài trợ dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó là tăng cường quản lý việc bán thuốc lá cho nhóm trẻ vị thành niên, cấm bán thuốc lá ở khu vực quanh trường học, đặc biệt ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng ngày càng gia tăng thuốc lá điện tử. Đồng thời, theo dõi và giám sát việc sử dụng thuốc lá thông qua các công cụ điều tra giám sát số liệu. Những khuyến cáo này được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào Kế hoạch hành động về kiểm soát thuốc lá khu vực Tây Thái Bình Dương đến năm 2030.

Thanh Hải

Tin mới