Khảo sát tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức cho thấy, giá đất tại trục đường trung tâm xã, cách Quốc lộ 32 tầm 2km vào khoảng 45 triệu đồng/m2. Tại đường nhánh trong xã, ô tô vào được nhà, giá đất từ 33 - 35 triệu đồng/m2. Đi sâu trong ngõ ô tô không vào được, giá từ 25 - 27 triệu đồng/m2.
Chị Nguyễn Oanh, môi giới nhà đất tại huyện Hoài Đức chia sẻ, có mảnh đất khoảng 60m2 tại trục đường trung tâm xã được rất nhiều người xem, nhưng có khách hàng nhanh tay đặt cọc. Những người sau muốn mua, chị Oanh giới thiệu sang mảnh đất 50m2 tại thôn Thượng có giá 33 triệu đồng/m2 và không quên kèm theo câu: “Muốn mua thì đặt cọc sớm, nếu hôm sau quay lại đặt cọc thì cũng không dám chắc còn”.
"Nhà môi giới" này còn cho biết thêm, đất ở xã Đức Thượng đã tăng giá từ cuối năm 2019, tại trục đường trung tâm xã đã vào khoảng 38 - 40 triệu đồng/m2, nay nhiều người có nhu cầu tìm mua, trong khi quỹ đất trống không còn nhiều nên giá tiếp tục tăng. Ra phía ngoài một chút, khu vực đối diện khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, giá đất khu tập thể đã lên tới 65 triệu đồng/m2.
“Thực tế, đó là mức tăng vừa phải. Tôi nghĩ giá đất tiếp tục tăng cao hơn nữa, vì sắp tới Hà Nội xây dựng cảng cạn ngay gần đây”, chị Oanh nói.
Anh Lực, một người dân ở Đức Thượng cho hay, sau khi Hà Nội có đề án xây dựng Hoài Đức lên quận, giá đất đã rục rịch tăng, nhưng tăng mạnh nhất là từ cuối năm 2019 cho đến nay. Một số khách hàng có nhu cầu thực mua để ở, nhưng vẫn có khách hàng là dân đầu tư từ nội thành Hà Nội "đón sóng lên quận". Quỹ đất trống ở xã đã gần như hết, nên khả năng giá đất chưa dừng ở mức hiện nay.
Theo quan sát của phóng viên, từ Quốc lộ 32 phải rẽ vào đường nhánh mới tới khu vực xã Đức Thượng. Ngay tại trung tâm xã, đa phần là thuần dân sinh, không có khu vui chơi, đường vào trung tâm xã hai ô tô tránh nhau còn khó, nhà cửa trong xóm làng san sát, không gian chật hẹp…, thế nhưng giá đất lại khá cao, hơn cả một số đô thị trong huyện.
Điều này đặt ra nghi vấn: giá đất tăng tương xứng với sự phát triển của xã, hay chỉ là chiêu trò của môi giới đẩy lên?
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, đất thổ cư Đức Thượng là đất làng. Tức là trong làng chỉ có ao, vườn, "tắt nắng là hết vui chơi"…, như vậy giá trị sống bị thiếu.
'Sốt' đất Hoài Đức: Nhà đầu tư dễ sập bẫy 'thổi giá'.
So sánh với một khu đô thị ngay gần đó như Lideco-Bắc 32, quy hoạch rõ ràng, đầu tư hạ tầng bài bản bao gồm vườn hoa, cây xanh, khu vu chơi…, giá cũng chỉ tầm 30 - 40 triệu đồng/m2.
“Trong khi trong làng thiếu giá trị sống nhưng có giá từ 33 triệu đồng/m2, còn tại các khu đô thị đầu tư bài bản giá cũng chỉ từ 30 triệu đồng/m3, liệu có tương xứng không?”, ông Đính đặt vấn đề.
Hiện tại, Lideco vẫn còn “mắc cạn”, khách hàng lại săn lùng mua đất làng cho thấy đầy rủi ro và mạo hiểm. “Nếu giá tăng 1 - 2% là hợp lý, còn đây là hiện tượng "làm giá", kích thích thông tin để trục lợi”, ông Đính khẳng định.
Vài năm trước, khi mới có thông tin Hoài Đức lên quận, giá đất tại đây đã bị đẩy lên gần như không giao dịch được. Hiện nay, việc trở thành quận chưa thể thực hiện được do huyện này chưa đầu tư tối thiểu đô thị hoá. Vì vậy, ông Đính cho rằng, khách hàng cần cẩn trọng, tránh "vết xe đổ" cách đây hơn chục năm khi "cơn sóng" đất Hoài Đức tăng cao.
“Khách hàng cần cẩn trọng, tỉnh táo, đánh giá chuẩn xác giá trị đất khu vực này, tránh mắc cạn thay thế cho người mắc cạn trước”, ông Đính cảnh báo.