Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Đánh thức' di sản: Phát triển ngành Công nghiệp văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc

(VTC News) -

Tại Hà Nội, một số địa phương đã có sự liên kết giữa các điểm di tích văn hoá với doanh nghiệp, tạo dựng sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn, hiện đại.

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học - Đại học KHXH&NV chia sẻ với VTC News về tiềm năng “đánh thức” di sản, góp phần gia tăng sản phẩm du lịch văn hoá độc đáo, nhằm phát triển một nền công nghiệp văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.

- Gần đây, Hà Nội đưa Di tích Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long và một số điểm nhấn Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 trở thành điểm đến du lịch. Liệu đây có gợi mở hướng khai thác các giá trị có tính văn hoá?

Trước tiên phải khẳng định Hà Nội có những giá trị về tài nguyên du lịch hấp dẫn không chỉ về văn hóa, lịch sử mà còn ở nhiều dạng tài nguyên khác về tự nhiên, sinh thái.

Tuy nhiên, bản chất của du lịch vẫn liên quan nhiều đến sự sáng tạo của con người và ít nhiều nó trở thành một yếu tố về mặt văn hóa.

Hà Nội có bề dày lịch sử, chiều sâu về mặt văn hóa rất đa dạng. Tuy nhiên xưa nay khai thác du lịch, chúng ta chưa tận dụng hết được những yếu tố sáng tạo trong bản thân các di tích lịch sử văn hóa đã có sẵn.

Vài năm gần đây, có thể thấy xu hướng khai thác các di tích lịch sử văn hóa khá phổ biến. Ví dụ như Nhà tù Hoả Lò đã xây dựng các sản phẩm như Đêm Linh thiêng 1,2 hay Hoàng Thành Thăng Long cũng đổi mới sáng tạo, tận dụng tối đa khoảng thời gian khai thác như các chương trình du lịch vào ban đêm. Không gian ban đêm rất phù hợp để tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hoá bởi tính ngụ tịch, yên lặng rất hấp dẫn. Đấy là sự sáng tạo dựa trên hồn cốt di sản văn hoá có sẵn.

 

Bên cạnh đó, các địa điểm này cũng có sự hỗ trợ về mặt truyền thông, hút khách du lịch, đặc biệt là thế hệ trẻ muốn đến thăm, check-in ở các di tích lịch sử văn hoá.

Với Hoả Lò, Hoàng Thành và gần đây là Bốt Hàng Đậu đã tạo ra hiệu ứng, tiếng vang nhất định không chỉ với khách Thủ đô mà còn quốc tế. Tuy nhiên, vai trò của du khách thủ đô rất quan trọng.

Trong du lịch, có thuật ngữ “staycation” – du lịch tại chỗ, đóng vai trò rất quan trọng đối với người dân địa phương. Đặc biệt sau COVID-19, nhu cầu đi xa hay chuyến đi xa bị ảnh hưởng bởi nhiều rào cản khác: thời gian, tài chính, đảm bảo an toàn cho cá nhân. Du lịch đến thăm các di sản với sự đổi mới sáng tạo về mặt sản phẩm càng có xu hướng bùng nổ và phát triển.

Bên cạnh đó, khách quốc tế đến từ một số quốc gia luôn có xu hướng tìm hiểu văn hoá rất sâu đậm như Nhật Bản, Pháp, Mỹ,… rất thích sản phẩm, di sản văn hoá.

-  Khai thác di sản qua kênh du lịch đã có từ lâu nhưng vì sao đến nay, du lịch di sản, văn hoá mới có sức hấp dẫn riêng biệt?

Tôi nghĩ chúng ta đã có chủ trương từ lâu nhưng cách làm gần đây mới có sự đổi mới, sáng tạo hơn. Di sản sẽ chỉ là di sản nếu không có sức sống, tồn tại, vận hành trong mối quan hệ với người dân địa phương và khách du lịch tương tác với di sản.  

Chúng ta có thể thấy một loạt hệ thống di sản không chỉ ở Hà Nội mà ở rất nhiều địa phương, di sản “không sống” vì không có khách du lịch thăm quan, người dân địa phương cũng không mặn mà với di sản đó.

Gần đây, trào lưu để di sản sống thì du lịch là kênh thúc đẩy, chuyển đổi rất mạnh mẽ cho di sản. Ở Việt Nam, đặc biệt sau COVID-19, lượng khách du lịch suy giảm, vì thế ngành du lịch làm nhiều cách khác nhau để kích cầu du lịch. Một trong những cách kích cầu du lịch hiệu quả là đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ dựa trên các di sản đã tồn tại từ trước.

Phải khẳng định phương thức khai thác di sản trước đây để hỗ trợ cho du lịch rất truyền thống, tẻ nhạt. Cứ để di sản đó, khách đến thăm quan tự cảm nhận. Thế nhưng, bây giờ khi muốn phát triển di sản dựa vào kênh chuyển đổi du lịch, việc làm thế nào để khách hàng tiếp cận với di sản sinh động hơn, thú vị hơn, các điểm đến đã chú trọng hơn rất nhiều, khai thác di sản tối đa, sáng tạo các sản phẩm dựa trên di sản đó như tour ban đêm,…

 

Hơn nữa, chúng ta biết tạo dựng cho di sản những câu chuyện, cốt truyện hấp dẫn. Ngày xưa, những câu chuyện đó chỉ thông qua lời kể, sách, hướng dẫn giờ được chuyển tải đến du khách thông qua các show biểu diễn, có tính sống động hơn rất nhiều. Sự tương tác trực tiếp giữa các nhân vật trong câu chuyện khiến khán giả cảm nhận một cách sâu, đậm, có tính cảm xúc hơn rất nhiều.

Di sản trong thời gian gần đây thu hút được khách du lịch nhiều hơn cũng do nhiều yếu tố, tâm lý, xu hướng thị hiếu của khách hàng, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cũng tác động hành vi tâm lý của khách hàng thay đổi. Bản thân những người làm du lịch, khai thác di sản cũng thấy rằng cần ngồi lại với nhau, liên kết nhất định giữa các bên văn hoá và du lịch.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng không phải trước đây không có định hướng khai thác di sản mà có nhưng chưa coi trọng những đóng góp của ngành du lịch đối với công tác, phát huy bảo tồn di sản.

Theo nghị quyết 08 của Bộ chính trị, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch có tác động, thúc đẩy rất nhiều ngành công nghiệp khác. Vì thế sự hợp tác giữa các bên liên quan, trong đó giữa các ban ngành, chính quyền, giữa người dân và khách du lịch rất quan trọng để thúc đẩy di sản sống dậy.

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Đại học KHXH&NV.

- Ông có nhắc đến sự liên kết đa ngành và thúc đẩy phát triển các ngành Công nghiệp khác của du lịch, trong đó có văn hoá. Theo ông, đánh giá, chúng ta đã có ngành Công nghiệp văn hoá hay chưa?

Một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản,… chú trọng phát triển Công nghiệp văn hoá. Khi xã hội phát triển, họ quay lại nhìn nhận vai trò của lĩnh vực văn hoá, đóng góp duy trì, phát triển văn hoá của một quốc gia như thế nào. Đó là lý do tại sao họ xây dựng được ngành Công nghiệp văn hoá liên quan đến phim ảnh, âm nhạc,…

Thực tế, Việt Nam mới manh nha xây dựng ngành Công nghiệp văn hoá so với các quốc gia tiên phong như Nhật Bản, Hàn Quốc,.. Chúng ta đi sau nhưng không phải không tốt, đi sau để có thể học hỏi được những ưu điểm, nhược điểm trong các chiến lược phát triển Công nghiệp văn hoá ở những quốc gia này.

-  Chúng ta có thể học hỏi được điều gì từ chiến lược phát triển Công nghiệp văn hoá, du lịch ở các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phương Tây?

Phải nhìn nhận rằng các nước có sự phát triển về Công nghiệp văn hoá, họ rất phát triển về kinh tế. Khi phát triển kinh tế ở một mức nào đó, họ mới có đánh giá đúng về văn hoá.

Bởi trụ cột phát triển bền vững vẫn dựa trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường. Những quốc gia này cũng phải trả giá cho những vấn đề khi phát triển quá nhanh về mặt kinh tế, họ sẽ thấy sự xuống cấp về mặt giá trị văn hoá, xã hội và môi trường tự nhiên. Vì thế họ dồn tâm huyết phát triển cũng là cách để họ cần bằng lại 3 trụ cột trong việc phát triển bền vững đó. Tôi nghĩ đây là bài học để chúng ta nhìn nhận thấy rằng đất nước không chỉ nên ưu tiên phát triển kinh tế.

 

Về chiến lược phát triển, ở Nhật Bản, khi phát triển kinh tế, họ rất chú trọng công nghệ hiện đại, tuy nhiên bên cạnh đó những dấu tích về mặt văn hoá từ trang phục, lề lối sinh hoạt, công trình kiến trúc nghệ thuật, văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo tồn.

Ví dụ thành phố Kyoto là thành phố di sản sống. Ở đây, họ vẫn giữ được nét cổ kính, độc đáo của văn hoá, di sản riêng, không cho phép xây dựng các toà nhà quá cao, một thành phố không có sự phát triển quá hiện đại.

Ngoài ra, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng có sự khai thác di sản văn hoá dựa vào kênh du lịch rất tốt. Trước đây, các quốc gia này không coi trọng du lịch, tuy nhiên khi thấy ngành này ngoài việc đem lại lợi nhuận cho văn hoá, còn là kênh quảng bá hình ảnh đất nước, hình ảnh của điểm đến, văn hoá địa phương,… họ mới chú trọng phát triển, trong đó khai thác mạnh các yếu tố văn hoá. Đấy là điều họ tập trung để liên kết văn hoá và du lịch.

Ở Việt Nam có 4 dòng sản phẩm chính: du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và tự nhiên, du lịch văn hoá, du lịch đô thị. Chúng ta tập trung khai thác tối đa trải nghiệm của khách du lịch, không chỉ đến tham quan mà còn được trải nghiệm, cảm nhận bằng đầy đủ các giác quan.

Các sản phẩm văn hoá, di sản văn hoá của chúng ta trước đây chỉ cho du khách cảm nhận về thính giác, thị giác, còn trải nghiệm rất ít. Nhưng thời gian gần đây, các điểm đến di sản, doanh nghiệp rất chú trọng đến trải nghiệm cá nhân của khách du lịch. Khách đến tham quan có thể tham gia vào các quy trình biểu diễn, sản xuất, tương tác…

- Để mong muốn biến di tích, di sản thành nguồn lực phát triển được hiện thực hoá, sự phối hợp đồng bộ nên được thể hiện như nào thưa ông?

Chúng ta cần chú ý vai trò của chính quyền, doanh nghiệp trong phát triển du lịch văn hoá. Doanh nghiệp là cầu nối để kết nối với khách du lịch. Hầu hết tại các điểm đến, muốn di sản văn hoá sống động, vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ xây dựng, tạo ra những dịch vụ, sản phẩm cho di sản văn hoá đó là rất quan trọng.

Di sản văn hoá thông qua sự phối hợp giữa điểm đến và doanh nghiệp đã được khai thác tốt hơn rất nhiều. Muốn có sự liên kết tốt, vai trò của chính quyền cần được đề cao. Chính quyền là đầu mối, liên kết phối hợp giữa doanh nghiệp và các bên liên quan.

Những địa phương như Hà Nội, Huế, Ninh Bình, Quảng Ninh,…chúng ta sẽ thấy được vai trò của các sở ban ngành hoặc là của chính quyền địa phương làm rất tốt.

Ngoài vai trò của chính quyền, vai trò của những người trực tiếp khai thác di sản cũng rất quan trọng. Hệ thống di sản ở nước ta hầu hết được vận hành bởi cơ quan quản lý nhà nước. Đôi khi những người làm công ăn lương, trách nhiệm họ dành cho điểm đến, di sản không thực sự cao.

Người quản lý điểm đến di sản cần nhận thức rõ để di sản “sống”, cần thay đổi phương thức khai thác truyền thống như trước đây.

Tôi muốn kiến nghị, di sản chỉ thực sự sống khi có cơ chế tự chủ nhất định. Giống mô hình các trường đại học hiện nay, cơ chế vận hành rất tốt. Di sản cũng vậy, trước nay vẫn thuộc quản lý của nhà nước, đương nhiên cũng không tách biệt vai trò của quản lý nhà nước đối với di sản. Tuy nhiên chúng ta cần phải trao quyền nhiều hơn người cho những người làm di sản để có thể ra các quyết định, dựa trên một hành lang pháp lý chặt chẽ nhằm tạo cho di sản một sức sống mới.

Lê Chi (Thiết kế: Huy Mạnh)

Tin mới