Nhà máy lọc dầu do Lukoil vận hành ở khu vực Volgograd của Nga đã bốc cháy sau cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine ngày 3/2. Đây là một trong những cơ sở lọc dầu lớn nhất ở Tây Nam nước Nga Nga, có công suất khoảng 300.000 thùng dầu thô mỗi ngày.
"Lực lượng phòng không và tác chiến điện tử đã chặn cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào quận Kalachyovsky và Zakanalye ở tỉnh Volgograd. Một trong những chiếc UAV bị hạ đã rơi xuống nhà máy lọc dầu và gây ra hỏa hoạn", Andrey Bocharov, lãnh đạo tỉnh Volgograd của Nga, thông báo trên Telegram.
Lính cứu hỏa Nga đang nỗ lực dập tắt đám cháy ở cơ sở khí đốt Ust-Luga gần St. Petersburg. (Ảnh: Bộ tình trạng khẩn cấp Nga)
Video trên mạng xã hội cho thấy vụ nổ và đám cháy lớn tại nhà máy lọc dầu Volgograd. Ông Bocharov nói rằng lực lượng khẩn cấp đã dập tắt ngọn lửa sau đó và không có thương vong.
Công ty dầu khí Lukoil, chủ sở hữu nhà máy, cho biết cơ sở này tiếp tục hoạt động bình thường sau vụ tấn công. Cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu ở Volgograd là cuộc tập kích mới nhất của Ukraine nhằm vào các cơ sở dầu khí của Nga trong vòng một tháng qua.
Nhắm vào các mục tiêu chiến lược ở Nga
Đêm 24/1, nhà máy lọc dầu Rosneft của Nga ở Tuapse, Krasnodar Krai đã bốc cháy. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy ngọn lửa bốc cao lên bầu trời đêm. Kênh tin tức Telegram cho biết các nhân chứng đã nhìn thấy một chiếc máy bay không người lái tấn công nhà máy lọc dầu ngay trước khi đám cháy bắt đầu.
Ngày 21/1, một vụ hỏa hoạn lớn kèm theo vụ nổ đã xảy ra tại cơ sở khí đốt Ust-Luga trên biển Baltic, gần St. Petersburg. Nhà điều hành cho biết nguyên nhân hỏa hoạn là do “tác động từ bên ngoài” gây ra.
Trước đó, hôm 19/1, 4 thùng dầu tại cơ sở lưu trữ lớn của Rosneft ở thị trấn Klintsy, vùng Bryansk phía Tây nước Nga cũng bốc cháy. Klintsty chỉ cách biên giới với Ukraine vài km.
Thống đốc Alexander Bogomaz thông báo trên Telegram: “Một máy bay không người lái đã bị lực lượng phòng không Nga hạ bằng hệ thống tác chiến điện tử. Khi chiếc UAV bị phá hủy, đạn dược mà nó mang theo đã rơi xuống kho dầu Klintsy”.
Tuần trước, một nguồn tin từ Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tiết lộ với Kyiv Post rằng cơ quan này đứng đằng sau các vụ tấn công vào cơ sở năng lượng của Nga.
“SBU đang tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và tiếp tục tấn công các cơ sở không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế Nga mà còn cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga. Sẽ có nhiều điều bất ngờ xảy ra trong thời gian tới”, nguồn tin cho hay.
Đáp trả bằng chiến lược của Nga
Mùa đông năm 2022, Nga đã sử dụng UAV và tên lửa để tập kích các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Chiến lược tương tự cũng được Moskva thực hiện trong mùa đông năm nay.
Các cuộc tấn công vào cơ sở dầu khí của Nga là cách đáp Ukraine đáp trả Moskva bằng chính chiến lược của đối phương, đồng thời nhằm gây thiệt hại cho ngành công nghiệp sinh lợi của Nga mà các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đã không thể giáng đòn mạnh như kỳ vọng.
Theo ông Olena Lapenko, chuyên gia an ninh năng lượng tại tổ chức nghiên cứu DiXi Group của Ukraine, Moskva đã kiếm được hơn 400 tỷ USD từ xuất khẩu dầu kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu bùng phát vào tháng 2/2022.
Cuộc tấn công vào kho cảng Baltic Ust-Luga và thời tiết xấu trong khu vực đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu thô bằng đường biển của Nga. Các chuyến hàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 tháng qua.
Theo Tendar, Nga chỉ có 5 đường ống chiến lược lớn dẫn ra các cảng biển, 3 ở Baltic và 2 ở Biển Đen. Các đường ống khác của Nga đi qua Ukraine hoặc các nước NATO và phải chịu lệnh trừng phạt. Các cuộc tấn công của Ukraine cho đến nay đã nhắm vào 2 trong số 5 cảng biển. Hoạt động tại Ust-Luga sẽ bị đình chỉ trong vài tuần và trong khoảng thời gian này có thể xảy ra thêm các cuộc tấn công.
Ngoài ra, mục đích của Ukraine khi nhắm vào các cơ sở năng lượng trên lãnh thổ Nga là để làm gián đoạn hoạt động quân sự của Moskva ở Ukraine.
“Các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu khí của Nga làm gián đoạn nguồn cung hậu cần và là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm gây cản trở cho các hoạt động của Moskva trên chiến trường”, Olena Lapenko, chuyên gia an ninh năng lượng tại tổ chức nghiên cứu DiXi Group của Ukraine, nhận định.
UAV cỡ nhỏ “mang ngòi nổ”
Một kênh Telegram của Nga cho biết trước vụ hỏa hoạn ở Ust-Luga, lực lượng nước này đã bắn hạ một UAV chỉ mang theo 3 kg chất nổ. Những cuộc tấn công như vậy dựa trên nguyên tắc được nhà nghiên cứu TX Hammes thuộc Đại học Quốc phòng (Mỹ) mô tả trong một bài viết năm 2016 về tác chiến UAV là “mang ngòi nổ”.
Chiến lược này sử dụng một lượng nhỏ chất nổ gắn trên UAV để kích nổ lượng lớn vật liệu nổ trong hoặc trên các mục tiêu, thường là máy bay, phương tiện quân sự, nhiên liệu hay kho đạn dược.
Theo ông Hammes, UAV cỡ nhỏ, chi phí thấp với tải trọng chất nổ tối thiểu cũng có thể tạo ra sức tàn phá lớn nếu chúng được sử dụng để nhằm vào các mục tiêu dễ cháy.
“Chỉ cần vài gram chất nổ tác động trực tiếp vào mục tiêu là có thể gây ra vụ nổ thứ cấp với mức độ tàn phá lớn hơn rất nhiều”, ông Hammes mô tả.
Các cuộc tấn công nói trên cũng cho thấy Ukraine đã có UAV tầm xa có thể tấn công các mục tiêu ở sâu hơn trong lãnh thổ Nga.
Một nguồn tin quân sự Ukraine tiết lộ, UAV của nước này đã có thể bay 1.200 km vào không phận Nga trong cuộc tấn công vào kho dầu ở St. Petersburg.
Cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin cho biết Kiev hiện đã có thể sản xuất hơn 10.000 UAV tấn công tầm trung (vài trăm km) và hơn 1.000 UAV với tầm hoạt động hơn 1.000 km trong năm 2024.
Với khoảng cách hơn 1.000km, nhiều cơ sở dầu khí của Nga sẽ nằm trong tầm tấn công của UAV Ukraine. Việc bảo vệ tất cả những cơ sở này là nhiêm vụ khó khăn, ngay cả khi Moskva rút bớt lực lượng phòng không khỏi tiền tuyến. Mặt khác, các hệ thống phòng không của Nga tỏ ra là kém hiệu quả trước các UAV cỡ nhỏ vì rất khó phát hiện ra chúng.
Samuel Bendett, chuyên gia về robot và các hệ thống quân sự không người lái tại Trung tâm Phân tích Hải quân của Mỹ cho biết: “Nga tự hào về hệ thống phòng thủ nhiều lớp với các hệ thống tác chiến điện tử, các tổ hợp tên lửa, radar có thể xác định và ngăn chặn rất nhiều mối đe dọa. Tuy nhiên, hầu hết các hệ thống phòng thủ này được xây dựng để xác định và tiêu diệt các mục tiêu cỡ lớn như tên lửa, máy bay, trực thăng. Chúng không được thiết kế để phát hiện các UAV cỡ nhỏ”.