Nhà sản xuất máy bay không người lái (UAV) Rustehnodron ngày 16/1 cho biết, họ đã bàn giao hàng trăm mẫu UAV (FPV) góc nhìn thứ nhất mang tên Inferno (Hoả ngục), do công ty này sản xuất cho lực lượng Nga đang chiến đấu tại chiến trường Ukraine. Đồng thời công ty cho biết thêm, lực lượng này đã bắt đầu sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu của đối phương.
“UAV Hellfire (Hoả ngục) có thể mang theo 9 quả lựu đạn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, nó sẽ bay lượn trên các chiến hào của lực lượng Ukraine, mở khoang chứa và thả lựu đạn theo loạt ba quả cùng một lúc. Cách thức này giống như ném bom rải thảm, nó sẽ tạo ra sự sát thương lớn hơn. Ngoài ra, UAV này cũng rất hiệu quả khi tấn công các mục tiêu khác như phương tiện bọc thép hạng nhẹ”, đại diện Rustehnodron cho biết thêm.
Theo Rustehnodron, UAV Hellfire được trang bị thêm một camera chĩa xuống mặt đất để quan sát mục tiêu, giúp cho nó có thể rải lựu đạn xuống chiến hào một cách chính xác trong lúc đang bay, thay vì phải bay lượn để xác định vị trí của đối phương như các loại UAV chỉ có camera phía trước. Điều này làm tăng đáng kể khả năng sống sót của UAV, bởi trong lúc đang bay tìm mục tiêu nó có thể bị bắn hạ bởi vũ khí nhỏ.
UAV Inferno của Nga.
Công ty cũng cho biết, UAV Hellfire có thể mang tải trọng vũ khí 4 kg, tầm bay khoảng 5 km, có thể mang theo lựu đạn VOG-17, GP-25 và các loại đầu đạn khác được thiết kế để thả xuống từ máy bay không người lái, bao gồm cả đạn phân mảnh và đạn nổ có sức công phá lớn.
Cùng với pháo binh, UAV, đặc biệt là dòng FPV hiện đang là một trong những vũ khí chủ lực trên chiến trường Ukraine, cả Nga lẫn Ukraine gần đây đều tăng cường sử dụng UAV, đặc biệt các mẫu mang thuốc nổ để tấn công tự sát và tập kích mục tiêu giá trị.
Loại vũ khí này đã chứng minh được hiệu quả trong việc tấn công vào các mục tiêu có giá trị cao như xe tăng, xe bọc thép, chiếc UAV này sẽ tấn công tự sát vào những vị trí dễ bị tổn thương nhất trên xe. Nga và Ukraine đều mất nhiều xe tăng, thiết giáp và nhân lực vì loại vũ khí này, cũng như phải triển khai nhiều cách để đối phó với UAV của đối phương.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định Ukraine vẫn tụt hậu so với Nga trong sử dụng UAV trên chiến trường do thiếu người vận hành, số lượng UAV hạn chế và thiết bị kém chất lượng. Ngược lại, Nga đang tận dụng tối đa ưu thế từ nền kinh tế thời chiến nhằm đẩy mạnh sản xuất các loại UAV tự sát.
Binh sĩ Nga với một chiếc UAV ném bom.
Yury Fedorenko, chỉ huy đại đội Achilles thuộc Lữ đoàn xung kích số 92 của Ukraine tháng trước thừa nhận rằng, Moskva sở hữu số lượng UAV nhiều gấp 5-7 lần Kiev ở các khu vực trọng điểm trên tiền tuyến.
Truyền thông Nga tuần trước cho biết, nước này đang thử nghiệm lắp đặt cảm biến dẫn đường quang học cho UAV FPV, giúp chúng trở thành “ngư lôi dẫn đường” có khả năng tự tấn công mục tiêu ở giai đoạn cuối mà không cần con người điều khiển. Điều này giúp tăng độ chính xác của đòn tấn công, hạn chế nguy cơ bị gây nhiễu, cũng như giảm bớt nguy hiểm cho người điều khiển UAV.
Nga tháng trước cũng đã công bố phiên bản nâng cấp của UAV cảm tử KUB được trang bị đầu đạn có sức công phá mạnh hơn. Trang web quân sự SOFREP của Mỹ đưa ra nhận định, đầu đạn mới sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh cho dòng UAV này và biến nó thành “cơn ác mộng kinh hoàng đối với binh sĩ Ukraine”.