Từ đầu năm đến nay, Nghệ An trải qua 7 đợt nắng nóng, hiện người dân đang đối mặt với đợt nắng nóng kỷ lục, ruộng đồng khô hạn, hồ đập cạn nước, nhiều loại cây trồng chết cháy; đời sống người dân bị đảo lộn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trầm trọng.
Nắng nóng kéo dài khiến hơn 40 ha rau màu của người dân xã Tam Quang, huyện Tương Dương khô héo. Đáng nói hơn, hàng chục héc ta ruộng đã được cày xới, nhưng không có nước phải bỏ hoang 2 vụ mùa liên tục.
Nghệ An đối diện đợt hạn hán kỷ lục. (Ảnh minh họa)
Bà Nguyễn Thị Hoài, ở xóm Bãi Sở, xã Tam Quang, huyện Tương Dương cho biết: "Nắng hạn kéo dài thế này, người dân khó có thể sản xuất được. Vừa rồi, nắng nóng ngô cháy trắng, hiện tại diện tích cỏ và sắn trên đồng cũng đang trên đà cháy… sản xuất vụ tiếp theo thì phải chờ mưa".
Số lượng hồ đập cạn nước tiếp tục tăng được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều bà con ở Nghệ An phải bỏ ruộng. Tình trạng khô hạn diễn ra trên diện rộng, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Tại huyện Đô Lương, đến nay có 710 ha bị hạn, trong đó hạn nặng khoảng 460 ha, cụ thể ở xã Giang Sơn Đông, gần như 100% diện tích không thể sản xuất… và đây được xem là đợt hạn lịch sử tính từ năm 1993 đến nay.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương cho rằng: "Đợt hạn năm nay là đỉnh điểm so với năm 1993, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào các hồ đập trên địa bàn, có 17 hồ đập lớn nhỏ nhưng đều ở mực nước chết, nên sản xuất đều lệ thuộc vào ông trời…"
Không chỉ khó khăn trong sản xuất, nắng hạn đang khiến nhiều hộ dân Nghệ An đối mặt nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Điển hình như 35 hộ dân tộc Đan Lai ở bản Cửa Rào, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, nhiều ngày nay lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Gần 1 tháng qua, các giếng đào sâu hàng chục mét của người dân ở đây đã khô cạn trơ đáy. Để phục vụ sinh hoạt, người dân phải chia nhau từng can nước ở khe suối.
"Đợt hạn hán này, bà con ở đây rất vất vả, không có nước sinh hoạt cho cả người và gia súc gia cầm…", bà La Thị Nguyệt, người dân xã Môn Sơn, huyện Con Cuông cho biết.
Tại huyện Tương Dương, địa phương được xem là nơi có nền nhiệt cao nhất tỉnh trong đợt nắng nóng này, gần tháng nay người dân phải chắt chiu từ những nguồn nước mưa ít ỏi trong bể chứa, nhiều hộ dân đã phải chung nhau 2 đến 3 nhà đào một giếng khoan sâu hơn 30 mét.
Bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, huyện Tương Dương cho biết, trước mắt để đối phó với tình trạng hạn hán kéo dài người dân đang huy động hàng chục máy bơm dã chiến ra sông để bơm nước tích trữ sinh hoạt.
Hiện lưu lượng dòng chảy trên các dòng sông ở Nghệ An thiếu hụt so với cùng kỳ từ 35-45%, dự báo hạn hán sẽ diễn ra khốc liệt, khó lường. Do đó, ngành nông nghiệp và người dân cần có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt cần chủ động trong sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.