Video: Người dân tình nguyện hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình
Dân tình nguyện hiến đất làm đường
Ngày đầu xuân mới Nhâm Dần 2022, đi trên những tuyến đường huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), ít ai nghĩ rằng đường làng, đường xã ở địa phương thuần nông như Thái Bình giờ được đầu tư mở rộng, thảm nhựa phẳng lì, có hệ thống thoát nước, vỉa hè; hệ thống điện chiếu sáng khang trang, sạch sẽ chẳng khác gì đường phố.
Phong trào hiến đất mở rộng đường xây dựng nông thôn mới đang được nhân dân xã An Thái (Quỳnh Phụ, Thái Bình) tích cực hưởng ứng.
Thông tin với PV VTC News, ông Đoàn Đức Hợp - Chủ tịch UBND xã An Thái cho biết, đoạn đường ĐH76 (cũ) với chiều dài 1,7km đi qua thôn Hạ thuộc tuyến đường cứu hộ, cứu nạn trong Dự án ĐH72 từ xã An Khê đi xã An Mỹ qua trung tâm xã An Thái nên đất đai có giá trị sinh lời cao.
Phạm vi thu hồi có nhiều diện tích đất ở, phải cưa, cắt nhà ở, cổng dậu. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày được chính quyền tuyên truyền, vận động, 74/74 hộ dân đã đồng thuận hiến đất cho huyện mở rộng tuyến đường này.
“Trước đây, con đường của chúng tôi chỉ 3m-4m ngang thôi, đường hẹp không có hành lang, xe cộ đi lại tránh nhau rất khó, giờ mở rộng thành 9m. Riêng gia đình tôi hiến gần 50m2, tính giá hiện thời là gần 1 tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Mý (72 tuổi, thôn Hạ, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ) chia sẻ với PV VTC News.
Gia đình bà Nguyễn Thị Mý (72 tuổi, ở thôn Hạ, xã An Thái) hiến gần 1 tỷ đồng tiền đất để mở rộng đường.
Theo bà Mý, từ khi thực hiện chủ trương của chính quyền, người dân suy nghĩ muốn làm được con đường này thì nhân dân và cán bộ phải đồng sức, đồng lòng.
Bước đầu, nói đến việc hiến đất làm đường trong khi đất đang đắt thì người dân cũng băn khoăn, nhưng ngay từ đầu bà đã quán triệt gia đình quan điểm có đường thì dân mới giàu, có đường thì mới phát triển được kinh tế - xã hội. Xuất phát từ suy nghĩ đó, gia đình bà Mý và một số hộ xung phong ký vào đơn hiến đất làm đường đầu tiên.
"Từ đó, chúng tôi cũng vận động con cháu và 46 gia đình ở thôn Hạ này đồng ý hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Khi làm xong con đường này, tôi cảm thấy địa phương chúng tôi như được khoác lên một tấm áo mới. Đường thông, hè thoáng, điện cao áp chiếu ban đêm cũng sáng như ban ngày. Từ thuở bé đến giờ tôi chưa bao giờ thấy đường làng ngõ xóm sáng đẹp như thế.
Với 72 tuổi đời, hơn 55 tuổi Đảng, có 45 năm ở ngành giáo dục, giờ về được đóng góp một phần nhỏ bé của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi”, bà Mý vui mừng chia sẻ.
Đường làng, đường xã ở An Thái (Quỳnh Phụ) giờ chẳng khác nào đường phố.
Chị Nguyễn Thị Thanh (ở thôn Hạ, xã An Thái) chỉ tay lên ngôi nhà 2 tầng của gia đình rồi kể, vợ chồng chị dành dụm, tích cóp gần 14 năm và vay thêm cả bên nội, bên ngoại mới có đủ tiền để xây dựng ngồi nhà mới 2 tầng khang trang ngay mặt đường trung tâm xã. Nhà mới khánh thành được 1 năm thì địa phương kêu gọi người dân hiến đất làm đường.
“Sau khi xây dựng được 1 năm thì vợ chồng mình đã cắt ngôi nhà này vào khoảng gần 1m để giải phóng mặt bằng phục vụ mở rộng lòng đường. Tôi cũng tiếc lắm!
Ngay khi có chủ trương mở rộng đường xây dựng nông thôn mới, vợ chồng tôi đã đồng thuận, đồng ý với nhau là hiến đất mở đường để phát triển kinh tế cũng như đi lại, giao thương. Chiều dài mặt đường là 20m, chiều rộng khoảng 1m, với giá thị trường hiện nay khoảng 300-400 triệu”, chị Thanh chia sẻ.
Hiến đất để làm đường bởi tôi muốn sau này các con cháu mình được hưởng về lâu về dài
Chị Nguyễn Thị Thanh
Chị Thanh kể, ban đầu khi có quyết định hiến đất, cắt vào ngôi nhà mới xây, vợ chồng chị cũng lo lắng cho sự an toàn của ngôi nhà.
Tuy nhiên, với mức hỗ trợ, bồi thường hợp lý để sửa chữa lại đảm bảo an toàn nên vợ chồng chị đã đồng thuận.
“Hiến đất để làm đường bởi tôi muốn sau này các con cháu mình được hưởng về lâu về dài. Con mình rồi cháu mình chứ không phải mỗi đời mình không nên vợ chồng tôi đồng ý luôn.
Mong sao các địa phương khác cũng đồng lòng, lan tỏa giá trị tốt đẹp khi mở rộng con đường này. Con đường càng dài, càng rộng thì kinh tế, chính trị địa phương mình càng phát triển”, chị Thanh nêu quan điểm.
Bài học từ lòng dân
Thông tin với PV VTC News, ông Đoàn Đức Hợp - Chủ tịch UBND xã An Thái cho biết, thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về việc vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông, mở rộng các tuyến đường qua xã, địa phương nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ tỉnh xuống huyện.
Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nhân dân hiến quyền sử dụng đất, Nhà nước bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình.
Ông Đoàn Đức Hợp - Chủ tịch UBND xã An Thái (Quỳnh Phụ, Thái Bình).
Trước khi có chủ trương này, xã An Thái đã họp Đảng ủy thống nhất chủ trương, ra nghị quyết, UBND xã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ chủ trương này và mời tất cả các hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng lên quán triệt văn bản, chủ trương của Huyện ủy về việc hiến đất, mở rộng mặt đường giao thông nông thôn. Tổng số hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng là hơn 70 hộ với gần 800m2 cần giải phóng.
Sau khi được quán triệt văn bản của Nhà nước và Nghị quyết của Huyện ủy, nhân dân nhất trí cao. Đồng thời, xã thành lập 2 tổ vận động, phân công cho từng đảng viên phụ trách hộ gia đình, xuống tận các hộ vận động, thuyết phục để người dân đồng thuận.
Trong 3 ngày vận động, tinh thần của nhân dân rất cao, đã đồng thuận 100% hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới. Tổng diện tích đất người dân hiến là gần 800m2, với giá thị trường hiện nay, nhân dân đã đóng góp gần 16 tỷ đồng để mở rộng tuyến đường này.
Những tuyến đường giao thông nông thôn được mở rộng, có hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước và cây xanh hai bên, làm diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi theo hướng tích cực.
“Với số tiền rất lớn này, Nhà nước đã giảm bớt được kinh phí giải phóng mặt bằng để đầu tư cho các hạng mục công trình khác. Khi nhân dân đã đồng thuận hiến đất thì công tác giải phóng mặt bằng rất nhanh, tạo thuận lợi cho nhà thầu thi công rất thuận lợi.
Người dân tự tháo dỡ các công trình, cây cối và làm nhanh để nhà thầu thi công nhanh tuyến đường. Người dân mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các tuyến đường giao thông nông thôn để người dân được hưởng thụ và đi lại thuận lợi hơn", ông Hợp chia sẻ.
Theo ông Hợp, bài học kinh nghiệm lớn nhất được rút ra từ phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới tại xã An Thái là tuyên truyền, vận động, giải thích rõ cho người dân hiểu được chủ trương, hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc hiến đất làm đường; người dân được hưởng lợi cái gì, Nhà nước đầu tư thế nào để thuận lợi cho người dân.
“Khi người dân đã hiểu được chủ trương, chính sách là đúng đắn, đòi hỏi công tác tuyên truyền để người dân hiểu. Chính quyền xã phải làm mọi cách từ phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, thành lập tổ tuyên truyền, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, làm sao để người dân thấu hiểu được chủ trương chung, hiểu được mục đích ý nghĩa. Và khi người dân đã hiểu rồi thì người dân đồng thuận cao. Nếu người dân không hiểu, không đồng thuận thì việc mở đường cực kỳ khó, còn người dân đã đồng thuận rồi thì việc làm rất suôn sẻ”, ông Hợp chia sẻ thêm.