“Tôi nghĩ đó là một quyết định thông minh của Mỹ. Sau khi cấm vận thương mại được dỡ bỏ, các ngân hàng và doanh nghiệp đã đồng loạt vào Việt Nam. Dường như họ đã mong muốn từ rất lâu và chỉ chờ thời điểm này”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và thành viên Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương Việt Nam (VNCPEC) chia sẻ trong buổi thảo luận cùng các chuyên gia nhân kỷ niệm 30 năm dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại (1994-2024).
Các chuyên gia bình luận sự kiện dỡ bỏ cấm vận thương mại là “đúng người, đúng thời điểm”, đã giúp mở ra tiềm năng to lớn cho hợp tác thương mại cũng như kinh tế hai nước.
Các diễn giả tại buổi thảo luận.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhận định, sự kiện đã mở đường cho tất cả các bước phát triển tuyệt vời mà hai quốc gia đã đạt được trong thương mại song phương và quan hệ kinh tế.
Những con số là minh chứng rõ ràng: Kể từ khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ năm 1994 và hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, đến năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam đã đạt 139 tỷ USD, tăng gấp 300 lần so với năm 1995.
Điều này có nghĩa là Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ trên thế giới và đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở ASEAN. Trong khi đó, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, các chuyên gia cho rằng cần nhiều thêm những kế hoạch hành động cụ thể để các sáng kiến hợp tác thành hiện thực, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực đề cập đến một số lĩnh vực tiềm năng bao gồm đầu tư khởi nghiệp, năng lượng tái tạo, giáo dục, dịch vụ y tế,...
“Chúng ta cần những dự án và chương trình thực sự, một kế hoạch chi tiết cho mỗi lĩnh vực khác nhau, đồng thời cũng cần một đầu mối chung để theo sát quá trình thực hiện và cung cấp thông tin”, ông Lực nói.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch và là một trong những người sáng lập công ty tư vấn Deloitte Việt Nam, từng chứng kiến các thảo luận dẫn đến sự kiện dỡ bỏ cấm vận thương mại, nhận định Việt Nam cần cải thiện “cơ sở hạ tầng mềm”, những yếu tố về môi trường kinh doanh, hệ sinh thái doanh nghiệp, để thực sự thu hút đầu tư.
“Chúng ta có những cam kết trị giá hàng tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, nhưng để thực sự đưa nguồn vốn này vào, câu hỏi cần đặt ra là về quản trị, xây dựng sự minh bạch, niềm tin, cải thiện thị trường”, bà Thanh cho biết.
Ông Bùi Quang Minh, CEO hệ sinh thái dịch vụ đa ngành Beta Group, từng tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 6 trong vai trò thành viên của Hội đồng Thẩm định, nhấn mạnh rằng trong mối quan hệ, không chỉ Việt Nam học hỏi được nhiều giá trị từ Mỹ và Mỹ cũng nhận lại được nhiều giá trị từ Việt Nam, trong đó có sự đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa về giá, những điều sẽ có lợi cho cả người dân hai nước.
“Tôi cảm thấy thật biết ơn khi sống trong một thời kỳ mà mối quan hệ đối tác của chúng ta đem lại cho thế hệ chúng tôi rất nhiều giá trị, những điều mà cách đây nhiều năm có thể không tưởng tượng được”, ông Minh nêu.
Đại sứ Knapper cho biết thêm, Bộ thương mại Mỹ vẫn đang tiếp tục quá trình xem xét quy chế kinh tế phi thị trường của Việt Nam. “Và họ có thời hạn 270 ngày để thực hiện việc này. Quy trình này bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái và bao gồm việc lấy ý kiến đóng góp công khai. Chúng tôi, chính phủ Mỹ, cam kết thực hiện một quy trình công bằng và minh bạch, phù hợp với các quy tắc quốc tế”. Mỹ mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam, làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.