Ông nói: "Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng, những cánh cửa hợp tác đã mở sẽ còn mở rộng hơn nữa".
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - Ngài Marc E.Knapper.
- Năm 2023 chứng kiến cột mốc tuyệt vời trong quan hệ đối tác Việt Nam – Mỹ, đó là việc hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Xin Đại sứ chia sẻ đôi chút về cảm nhận trong cột mốc quan hệ mới giữa hai nước chúng ta?
Năm vừa qua là một năm ngoạn mục đối với mối quan hệ Việt Nam-Mỹ. Chúng tôi đã khởi động các hoạt động từ tháng 1 với mong muốn kỷ niệm 10 năm mối quan hệ Đối tác toàn diện mà hai nước đã thiết lập năm 2013. Tất nhiên là chúng tôi hy vọng và cũng thường nhắc đến việc nâng cấp mối quan hệ song phương.
Để đạt được mục tiêu đó, trong suốt năm qua, chúng tôi đã đón một số vị khách cấp cao đến từ Washington. 1/4 số thành viên trong nội các của Tổng thống Biden đã đến thăm Việt Nam trong năm 2023, trong đó có Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Nông nghiệp.
Tàu sân bay Mỹ đã có chuyến thăm quan trọng tới Đà Nẵng vào mùa hè. Chúng tôi cũng đã tiếp đón các thành viên của Quốc hội Mỹ. Tôi nghĩ tất cả những chuyến thăm này phản ánh sự coi trọng của Mỹ đối với Việt Nam. Tầm quan trọng mà Washington và chính phủ Mỹ nhìn nhận về mối quan hệ Việt Nam – Mỹ.
Nhưng sự kiện lớn nhất trong năm đối với chúng tôi tất nhiên là chuyến thăm của Tổng thống Biden vào tháng 9. Và sau đó là việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đây thực sự chỉ là một cơ hội tuyệt vời để tổng kết tất cả những gì hai quốc gia chúng ta đã đạt được trong nhiều năm qua, nhưng cũng là cơ hội để cho thế giới thấy một cách công khai và rõ ràng những hy vọng, ước mơ và nỗ lực chung của Mỹ và Việt Nam trong tương lai.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong 2 ngày 10 và 11/9.
Việc nâng cấp quan hệ là cột mốc lớn, nhưng công việc của chúng ta vẫn chưa hoàn thành. Tôi nghĩ, trên thực tế, công việc của chúng ta bây giờ chỉ mới bắt đầu. Bây giờ chúng ta có trách nhiệm, cả Mỹ và Việt Nam, phải hiện thực hóa, cụ thể hóa những thỏa thuận đã đạt được vào tháng 9 và tiến về phía trước, đảm bảo rằng chúng ta thực hiện đúng nội dung và tinh thần của chuyến thăm của Tổng thống Biden, của Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Và tôi nghĩ chúng tôi đã sẵn sàng để làm điều đó.
- Trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ, hai Nhà Lãnh đạo tái khẳng định hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương. Mỹ hiện có và sắp có những hoạt động gì để hiện thực hóa điều này?
Tôi cho rằng một trong những điểm nổi bật của chuyến thăm, một trong những kết quả chính là cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với Việt Nam để phát triển một nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo với trọng tâm là chất bán dẫn. Đây là lĩnh vực mà Mỹ hoàn toàn cam kết hợp tác với Việt Nam để tạo ra cái mà chúng tôi gọi là hệ sinh thái.
Hệ sinh thái bán dẫn ở đây đang thúc đẩy đầu tư của Mỹ vào sản xuất, tận dụng nền tảng vốn đã rất vững chắc của Việt Nam trong những lĩnh vực như lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói, nhưng dựa vào đó xây dựng nền tảng sản xuất ở cấp độ cao hơn, vào những lĩnh vực như thiết kế, nghiên cứu và phát triển.
Đó là một lĩnh vực mà các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Nhưng công việc đó cũng bao gồm việc phát triển lực lượng lao động cần thiết để có thể làm việc trong các nhà máy sản xuất. Đó là các nhà khoa học máy tính, công nhân CNTT, kỹ sư, những lao động đủ khả năng cần thiết để có thể tuyển dụng vào các cơ sở sản xuất công nghệ cao.
Trong nỗ lực phát triển lực lượng lao động này, Mỹ đang hợp tác với các tổ chức như Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam, Khu Công nghệ cao TP.HCM. Chúng tôi cũng đang làm việc với các tổ chức giáo dục của Mỹ như Đại học Bang Arizona, Đại học Fulbright để cố gắng và đảm bảo rằng với những nỗ lực cần thiết có thể thành công tạo ra 50 đến 80.000 nhân lực công nghệ cao mới vào năm 2030.
Và đây là lĩnh vực mà Mỹ cam kết với Việt Nam. Chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam trong nỗ lực nâng cao chuỗi giá trị, tạo ra sự thịnh vượng hơn và tạo ra lực lượng lao động công nghệ cao cần thiết cho công việc quan trọng này.
- Đại sứ có thể giới thiệu đôi nét về Trung tâm Mỹ cũng như những hoạt động tiếp tân, ngoại giao và hoạt động dành cho công chúng thường diễn ra tại đây?
Chúng tôi có rất nhiều sách như bạn có thể thấy ở đây. Chúng tôi cũng có một số sách tham khảo liên quan đến các kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học Mỹ, và đây thực sự là nguồn tài liệu quý dành cho những bạn trẻ đến tìm hiểu thêm về Mỹ và cách đăng ký cũng như quá trình học tập tại các trường đại học của Mỹ. Đây là một nguồn tài nguyên đối với tất cả mọi người. Chúng tôi khuyến khích các độc giả tới địa điểm tuyệt vời này để học tập.
Ở đây chúng tôi cũng có cả máy in 3D để hỗ trợ mọi người. Chúng tôi cũng luôn có các chương trình về các chủ đề liên quan tới văn hóa Mỹ hay các nội dung về khoa học, STEM, kỹ thuật, chế tạo máy, toán học. Đây là một nơi rất thú vị và tôi hy vọng độc giả cảm thấy được chào đón khi tới sử dụng các nguồn tài nguyên này.
- Như ông vừa nhắc đến thì thư viện này là một trong những ví dụ sinh động nhất về hợp tác văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ. Hợp tác đổi mới giáo dục đại học, đặc biệt là lĩnh vực STEM đang là một trong những hoạt động được chính phủ Mỹ chú trọng, nhằm thúc đẩy mục tiêu chung với Việt Nam là trang bị cho sinh viên hành trang để thành công trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Xin Đại sứ cho biết những thành tựu hợp tác trong lĩnh vực này thời gian qua và phương hướng trong tương lai?
Tôi nghĩ nếu bạn nhìn vào bộ sưu tập sách và tạp chí liên quan đến khoa học và kỹ thuật, bạn sẽ thấy sự ưu tiên vào lĩnh vực STEM để đảm bảo rằng các độc giả trẻ có thể tiếp cận và tìm hiểu thêm về lĩnh vực này qua các tài nguyên ở đây. Bởi vì chúng tôi nhận ra rằng điều quan trọng đối với giới trẻ ngày nay là lĩnh hội những kiến thức đó.
Tất nhiên, các bạn trẻ vốn đã rất giỏi toán và khoa học, nhưng chúng tôi đánh giá cao khi họ đến đây và cố gắng học hỏi nhiều hơn, đặc biệt là tìm hiểu về các chương trình của các cơ sở giáo dục đại học Mỹ.
- Việt Nam đặc biệt với ông và gia đình vì rất nhiều mối “duyên nợ”. Ông cảm nhận được những sự thay đổi nào về lượng và chất trong mối quan hệ Việt Nam – Mỹ qua từng vai trò, từng cương vị đó?
Tôi nghĩ rằng, nếu bạn nhìn vào lượng và chất trong hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam hiện nay, bạn có thể thấy điều đó phản ánh trong Tuyên bố chung. Mỹ và Việt Nam đang hợp tác cùng nhau trên hầu hết mọi lĩnh vực có thể nghĩ tới, đó là thương mại và đầu tư, như chúng ta đã nói, đó là công nghệ cao, là giáo dục, an ninh, quốc phòng, thực thi pháp luật, ngoại giao nhân dân, khí hậu, năng lượng, y tế. Và trên mọi lĩnh vực quan trọng này, Mỹ và Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ cùng nhau. Vì vậy đây là một mối quan hệ rất rộng, một mối quan hệ đã phát triển nhảy vọt kể từ lần cuối tôi đến đây.
Tôi đã ở Việt Nam từ năm 2004 đến năm 2007 và chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ trong một số lĩnh vực. Nhưng phạm vi hợp tác khá hạn hẹp ở thời điểm cách đây 20 năm. Ngày nay, phạm vi hợp tác đã lớn hơn rất nhiều và bao trùm hầu hết mọi lĩnh vực.
Dĩ nhiên, vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn rất quan trọng, và hiện tại Mỹ và Việt Nam đang cùng nhau nỗ lực thực hiện. Tôi hy vọng những nỗ lực này sẽ tiếp tục được triển khai khi chúng ta đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện.
Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng, những cánh cửa hợp tác đã mở sẽ còn mở rộng hơn nữa. Hy vọng rằng những lĩnh vực khác mà trước đây chúng tôi chưa từng khám phá, chúng ta sẽ có thể cùng nhau hợp tác.
Tôi cho rằng, trong năm tới, chúng ta sẽ có rất nhiều việc cần phải làm để hiện thực hóa tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ. Đó là trách nhiệm của chúng ta với cả hai dân tộc, với người dân Việt Nam và người dân Mỹ, những người đang kỳ vọng rất nhiều ở chúng ta và cũng chính họ là những người mong đợi rất nhiều vào mối quan hệ này cũng như mong muốn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ thành công.
- Hồi tháng 9, ông đã cùng các thành viên trong đoàn công tác của Đại sứ quán Mỹ đã về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có thể chia sẻ những cảm xúc của mình khi đó, cũng như những mong muốn của ông về việc tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam – Mỹ?
Quyết định đến thăm nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An là một quyết định được cân nhắc khá kỹ lưỡng, bởi ở một khía cạnh nào đó, khi nói về chuyến thăm của Tổng thống Biden tới những người bạn Việt Nam, chúng ta có lẽ đã nghe rất nhiều về bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman năm 1946, bày tỏ mong muốn về tình hữu nghị cũng như mong muốn hợp tác đầy đủ giữa hai nước.
Theo nhiều khía cạnh, tôi nghĩ việc nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là sự hoàn thành tầm nhìn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có vào năm 1946 về mối quan hệ mà hai nước có thể thiết lập. Bởi vì chúng ta bắt đầu như những người bạn vào năm 1945, và sau đó đã vượt qua xung đột để rồi lại trở thành bạn bè.
Đó là một chặng đường dài 50 năm, từ 1945 đến 1995 khi chúng ta bình thường hóa, nhưng hai nước đã làm được, đã thành công. Vì vậy tôi nghĩ việc đến thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh rất có ý nghĩa đối với tôi để suy ngẫm về hành trình mà hai nước đã đi từ thời điểm năm 1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thảo luận về tầm nhìn, mong muốn của Người đối với mối quan hệ Việt Nam – Mỹ. Chuyến đi thăm Làng Sen thực sự là một cơ hội rất có ý nghĩa.
- Kể từ năm 2001, phái đoàn ngoại giao Mỹ đã tài trợ cho Việt Nam 16 dự án, với tổng giá trị lên đến hơn 1,2 triệu USD, góp phần bảo tồn nền di sản văn hóa đa dạng và độc đáo của Việt Nam, trong đó có các di sản Mộc bản triều Nguyễn. Bảo tồn di sản văn hóa có ý nghĩa thế nào với hợp tác giữa hai nước?
Đây là một câu hỏi rất hay, cảm ơn bạn. Tôi nghĩ điều quan trọng đối với các quốc gia là đảm bảo rằng có thể bảo tồn di sản của mình, bởi vì di sản văn hóa ở Việt Nam là di sản chung của nhân loại, và Mỹ có thể đóng một vai trò nhỏ trong việc giúp bảo tồn văn hóa Việt Nam. Đó là kho báu được cả thế giới chia sẻ và hưởng thụ.
Tôi đã có dịp đến thăm Trung tâm Lưu trữ Quốc gia ở Đà Lạt, nơi diễn ra Dự án Phục hồi các bản mộc bản này. Và tôi đã được xem những tấm mộc bản mô tả những chuyến thăm đầu tiên của người Mỹ đến Việt Nam, tôi nghĩ là vào năm 1832. Và thậm chí trước đó, năm 1822 đã có tàu Mỹ đến Việt Nam. Đó chính là bằng chứng đầu tiên ghi nhận du khách Mỹ tới đây.
Vì vậy lịch sử của chúng ta thực sự đã quay trở lại theo cách này hay cách khác. Tôi nghĩ nỗ lực chung nhằm bảo tồn di sản văn hóa có ý nghĩa của Việt Nam, dù là di sản vật thể hay phi vật thể, rất có ý nghĩa và quan trọng đối với Mỹ và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng và giúp đỡ.
- Ông đang có những dự định gì để có thể tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Mỹ trong thời gian tới?
Chúng tôi có rất nhiều kế hoạch, đặc biệt là trong lĩnh vực như giáo dục chẳng hạn. Chúng tôi rất hài lòng khi số lượng lớn sinh viên Việt Nam tại Mỹ hiện nay là 30.000. Nhưng nếu tính cả số thanh niên Việt Nam tham gia các chương trình như lưu trú cùng người bản xứ, trại hè, giáo dục trực tuyến thì con số đó lên tới 300.000.
Mỗi năm có 300.000 người Việt Nam có sự kết nối hoặc tiếp xúc nào đó với chương trình giáo dục của Mỹ, điều này thực sự có ý nghĩa. Vì vậy, mục tiêu của tôi là tìm ra cách để chúng ta có thể tăng số lượng chương trình mà sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận, dù trực tiếp hay trực tuyến. Ngay trong căn phòng này, chúng tôi cũng đang thực hiện rất nhiều chương trình giáo dục kết nối.
Nhưng tôi cũng muốn tìm ra cách thu hút nhiều thanh niên Mỹ đến đây để học hay dạy tiếng Anh. Tôi nghĩ để đẩy nhanh và củng cố quá trình xây dựng cầu nối, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, cần có những người trẻ tham gia từ cả hai phía. Vậy làm thế nào để chúng ta tìm ra cách thu hút nhiều người Mỹ hơn ở đây?
Hiện tại chúng tôi có Chương trình Hòa bình với khoảng 10 tình nguyện viên người Mỹ dạy tiếng Anh ở khu vực Hà Nội. Chúng tôi sẽ có thêm một đợt tình nguyện viên người Mỹ nữa giảng dạy tại TP.HCM trong năm tới. Tất nhiên, chúng tôi có Đại học Fulbright Việt Nam, nơi đã rất thành công trong việc thúc đẩy nền giáo dục khai phóng kiểu Mỹ tại TP.HCM.
Chúng tôi rất hài lòng với thành công của trường đại học này và muốn thấy nhiều thành công hơn nữa. Chúng tôi rất biết ơn chính phủ Việt Nam và chính quyền TP.HCM đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự thành công của Đại học Fulbright.
Tôi thực sự mong rằng giáo dục, đặc biệt là với lĩnh vực đào tạo lực lượng lao động sẽ liên quan tới các chương trình phát triển chất bán dẫn. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hoạt động hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam.
- Trong năm vừa qua, hẳn Đại sứ đã được đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng của Việt Nam. Có địa danh nào hay món ăn nào làm ông ấn tượng không?
Cách đây không lâu tôi có cơ hội đến thăm Cao Bằng, một vùng đất vô cùng đẹp. Một phần lý do chúng tôi đến thăm là để bàn giao ngôi trường mẫu giáo mà chính phủ Mỹ đã hỗ trợ xây dựng. Tới thăm ngôi trường trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, với những em bé đáng yêu, đó là một trải nghiệm rất cảm động, rất tốt đẹp. Tôi cảm thấy tự hào, không chỉ với tư cách là Đại sứ Mỹ, mà với tư cách là một công dân Mỹ, rằng chúng tôi đã có thể xây dựng ngôi trường này và hy vọng mang lại một môi trường học tập tốt và dễ chịu cho thế hệ học sinh hiện tại và tương lai.
Tôi luôn thích thử những món ăn khác nhau ở tất cả những địa điểm mới mà tôi ghé thăm. Nhưng tôi phải nói rằng, có thể người dân Cao Bằng sẽ không hài lòng với tôi, chỉ là tôi không thể ăn Bánh Trứng Kiến.
- Vâng, thực sự không phải ai cũng có thể quen với món ăn đặc sản đó, nhưng tôi nghĩ chuyến thăm Cao Bằng của ông hẳn cũng là một kỷ niệm vô cùng đáng nhớ. Nhân dịp Năm mới, Đại sứ có muốn gửi lời chúc tới người dân Việt Nam?
Tất nhiên. Tôi xin chúc toàn thể người dân Việt Nam một năm mới an lành, thành công và thịnh vượng.
- Xin cảm ơn Đại sứ.