Tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai năm học 2022 - 2023 sáng 12/8, Thứ trưởng Sơn nêu kết quả xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 của USNEWS, cho thấy Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Tuy nhiên vẫn xếp sau một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore (hạng 21), Malaysia (38), Thái Lan (46), Indonesia (54), Philippines (55).
Các trường đại học tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Cụ thể, so với các năm trước, 2022 là năm có bước nhảy vọt khi 5 đại diện của Việt Nam được lọt vào bảng xếp hạng THE gồm: Đại học Duy Tân vị trí 401 - 500, Đại học Tôn Đức Thắng 401 - 500, Đại học Quốc gia Hà Nội 1.001 - 1.200, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM cùng thứ hạng 1.201+.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.
Kết quả này vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt.
Năm trường đại học này cũng nằm trong bảng xếp các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities) và bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, kết quả trên là các trường thực hiện tự chủ mạnh mẽ, đặc biệt là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đầu tư điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của đại học tăng nhanh. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học.
Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục đại học tự chủ cũng thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho giảng viên.
Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ tăng từ 25% (năm 2018) lên trên 31% (năm 2021). Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư cũng tăng dần đều hằng năm (tỷ lệ giáo sư tăng thêm 0,5%/năm; phó giáo sư tăng thêm 5-6%/năm). Tỷ lệ trợ giảng trình độ đại học giảm mạnh (giảm trên 50% từ 2016 đến 2021).
Kết quả thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ. Bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học.
Từ đầu năm 2018 đến 31/12/2021, 818 ngành đào tạo do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở; trong đó nhiều ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nhiều lĩnh vực mới như: khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, nghệ thuật số, robot và trí tuệ nhân tạo, digital marketing…
Trong năm học mới 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu sẽ xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học và Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Bộ cũng đề nghị các trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản. Tăng cường phát triển khoa học, công nghệ; xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với các nhiệm vụ chiến lược của ngành.
Các trường cần đẩy mạnh thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo; đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam. Trường cũng nên khuyến khích mở rộng và đẩy mạnh các quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu quốc tế chất lượng cao để hình thành nhóm nghiên cứu quốc tế; thu hút các nguồn tài trợ quốc tế, chủ động tham gia mạng lưới nghiên cứu và trao đổi toàn cầu.