Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đại đức Thích Minh Quang: Đốt vàng mã, người âm không dùng được

(VTC News) -

"Nếu đốt vàng mã mà người âm dùng được thì chỉ cần đốt quả địa cầu là gì cũng có", thầy Minh Quang nói và khuyên cúng áo thật, tiền thật để "thụ lộc" thay vì đốt đi.

"Đốt vàng mã, người âm có dùng được không?". Câu hỏi này được Đại đức Thích Minh Quang đặt ra cho rất nhiều Phật tử khi ghé chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) mỗi dịp Vu lan. Một số người trả lời là không, một số người trả lời là có. Còn vị trụ trì nói một cách hài hước: “Mình đang sống cơ mà, đã chết đâu mà biết?”.

Nguồn gốc nhân đạo của vàng mã

 “Bây giờ mọi người bài bác vàng mã. Nhưng theo tôi thì vàng mã là nền văn minh thứ hai của loài người. Văn minh số một của loài người là tìm ra lửa. Văn minh số hai theo tôi là vàng mã, bởi nguồn gốc của việc đốt vàng mã không có ý nghĩa tiêu cực như bây giờ" - thầy Minh Quang nói.

Theo trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai, thời xưa nhiều vùng Á Đông có tục tuẫn táng – tức là chôn người sống theo người chết. Chồng chết thì chôn theo vợ, vua chết chôn theo thê thiếp, gia tài của cải. Từ đó mới phát sinh ra nạn trộm mồ trộm mả, mới có tiếng kêu oán, than khóc của những người bị chôn theo.

Trước thực tế đó, giới tăng lữ mới nghĩ ra việc sử dụng hình nhân bằng giấy để thế mạng cho người sống, dùng vàng mã đốt thay cho việc chôn theo của cải, nhằm tránh hoang phí, sự sát nhân. Có thể nói, tục đốt vàng mã ra đời giúp cứu bao nhiêu kiếp người có thể bị chôn theo, giảm số động vật bị tế lễ và sự lãng phí của cải vật chất.

Đốt vàng mã sau khi cúng rằm. (Ảnh: Đình Khoa)

Nên thay đồ mã bằng đồ thật

Nhưng việc đó chỉ nên tồn tại khi nhận thức của con người còn thấp. Còn ngày nay, nhận thức của con người đã cao rồi thì cần thay đổi. Trước hết là thay đổi góc nhìn về vàng mã: Nó gây phá hủy môi trường, gây lãng phí, và nó quá mê tín.

"Tín quá thì hóa mê. Cũng như chuối chín thì ngon, chín quá hóa chua. Nên giờ mình lạm dụng việc đốt vàng mã là một sai lầm” - Đại đức nói. "Theo tôi, đốt vàng mã thì người âm vẫn nhận được, nhưng không dùng được. Nhận là nhận cái tình cảm có quan tâm và nhớ tới của con cháu; chứ nếu dùng được thì chỉ cần đốt nguyên cả quả địa cầu là cái gì cũng có.

Nếu đốt vàng mã mà dùng được thì mỗi gia đình cắt cử một người xuống âm trước, người ở trên bán bỏ gia sản đổi lấy đồ mã, sắm những biệt phủ lớn... mà đốt. Há chẳng nực cười sao? Vậy nên chúng ta cần hiểu khi đốt thì cái nhận được là gì. Giống như việc hôm nay tôi ốm, anh đến thăm mang theo cân đường, tôi không ăn được nhưng vẫn cảm thấy ấm lòng vì được quan tâm và nhớ tới”.

Vì lẽ đó, thầy Minh Quang khuyên thay vì vàng mã, nên mua quần áo thật đặt lên cúng, sau đó hạ xuống mặc hoặc đem đi từ thiện: “Khi thầy nói vậy, có người bảo quần áo cúng ma, ai dám mặc. Nhưng tôi hỏi thật, cơm canh, bánh kẹo cúng xong thì các vị gọi là lộc, sao quần áo lại là đồ cúng ma? Vậy nên do góc nhìn của mỗi con người mà tự khởi ra những ý nghĩ phù hợp hay chưa phù hợp với từng hình thức, nghi lễ".

Đại đức cũng khuyên mọi người khi lĩnh lương hoặc có tiền thưởng thì có thể cho vào phong bao, đặt lên chiếc đĩa nhỏ dâng cúng gia tiên tiền tổ để thể hiện lòng thành của mình nhớ ơn các cụ.

"Cúng xong thì xin lộc mà làm ăn, chứ tội gì mình đi lấy tiền thật để đổi lấy tiền giả? Như thế thì ta bày tỏ tình cảm, sự nhớ ơn các cụ thiết thực hơn, để chúng ta có sức khỏe, có sự bình an, vì mỗi chúng ta chính  là sự tiếp nối của ông bà tổ tiên chúng ta”, thầy Minh Quang nói.

Lương Đình Khoa

Tin mới