Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nguồn gốc lễ Vu lan báo hiếu trong dịp Rằm tháng 7

Lễ Vu lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các phật tử, đó còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con đối với cha mẹ đã sinh thành và dưỡng dục mình.

Sự tích và ý nghĩa của lễ Vu lan báo hiếu

Nguồn gốc của ngày lễ Vu lan bắt nguồn từ sự tích Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục. Bà Thanh Đề (mẹ của Mục Kiền Liên) là một người sống rất xa hoa, tham lam, độc ác và không tin vào Tam Bảo.

Thường ngày, bà nấu rất nhiều thức ăn và làm vương vãi khắp nơi trên mặt đất. Còn cậu bé Mục Kiền Liên - con trai của bà có tính tình hiền lành, chịu khó, trái ngược hoàn toàn với mẹ cậu.

Cậu bé luôn nhặt lại những hạt cơm của mẹ làm rơi xuống, rửa sạch đi rồi ăn lại chúng. Vì vậy, tất cả mọi người xung quanh và quen biết đều rất yêu mến, khen ngợi cậu hết lời. Sau khi bà Thanh Đề qua đời, Mục Kiền Liên đã xin xuất gia theo học Phật và trở thành đệ tử của Đức Phật. Khi có được phép thuật, Mục Kiền Liên liền dùng tuệ nhãn để tìm mẹ khắp nơi trong trời đất, cuối cùng cậu đã thấy mẹ nơi đại địa ngục.

 

Mục Kiền Liên trông thấy mẹ tóc tai rối xù, thân hình chỉ còn da bọc xương, đói khát, úp mặt xuống đất không thể ngẩng nổi đầu lên. Mục Kiền Lên đau xót vô cùng, ôm mẹ bật khóc rồi dâng cho mẹ một bát cơm ăn cho đỡ đói.

Thế nhưng, bà Thanh Đề vẫn còn quá sân tham, vì vậy khi đưa cơm đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa đỏ, không thể ăn được. Mục Kiền Liên đã bất lực khi nhìn thấy cảnh này, cậu càng đau xót khi không thể cứu được mẹ mình và quay về tìm sự giúp đỡ của Đức Thế Tôn.

Đức Phật nói nếu muốn cứu mẹ thoát khỏi kiếp đọa đày, được sanh về cõi lành thì ngày 15 tháng 7 Âm lịch, tức là ngày Tự Tứ của chư Tăng, cậu hãy mời tất cả các nhà sư lại và sắm sửa làm lễ cúng dường Tam Bảo để lấy phước cứu mẹ. Từ đó, ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm trở thành ngày tri ân, báo hiếu trong Phật giáo.

Do vậy, ý nghĩa của ngày lễ Vu lan chính là ngày để tưởng nhớ công ơn của cha mẹ và tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp của mỗi con người chúng ta. Hiểu đơn giản, Vu lan chính là báo hiếu và không chỉ với cha mẹ ở kiếp này mà còn là đối với cha mẹ nhiều kiếp trước nữa, đồng thời cũng là dịp để bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn và đền đáp công ơn nuôi dạy của cha mẹ. Đây là truyền thống nhắc nhở mỗi con người “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Ý nghĩa của bông hồng cài trên ngực áo

Trước đây, lễ Vu lan báo hiếu được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây thì nó đã trở thành một đại lễ, được nhiều nơi tổ chức kéo dài suốt cả tháng 7 Âm lịch.

Nghi thức “bông hồng cài áo” chính là để tưởng nhớ những người mẹ đã tạ thế và đồng thời tôn vinh những người mẹ còn lại trên thế gian này. Trong nghi thức buổi lễ, các phật tử với hai giỏ hoa hồng bên người, một giỏ màu đỏ và một giỏ là màu trắng, sẽ được cài lên áo của những người đến chùa tham dự lễ. Như chúng ta đã biết, hoa hồng chính là biểu tượng cho sự cao quý và một tình yêu bất diệt.

 

Theo như lời Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, lúc đầu nghi thức này chỉ sử dụng hoa hồng màu đỏ, nhưng về sau một số nơi bắt đầu phân chia ra thành nhiều màu sắc hoa hồng khác nhau.

Nếu người nào không còn cha mẹ thì cài hoa hồng màu trắng, người nào còn đầy đủ cha mẹ thì cài hoa hồng màu đỏ và người nào chỉ còn mỗi cha hoặc mẹ thì sẽ cài hoa hồng nhạt màu hơn.

Thiên An (Tổng hợp)

Tin mới