Nhà triết học W.Got từng nói: "Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp". Đại dịch COVID-19 như một cơn bão táp, ở đó, những bác sĩ trẻ khoác áo blouse trắng đã hy sinh, lặng thầm cống hiến, trở thành những tượng đài trong lòng nhân dân trên tuyến đầu TP.HCM. Đi qua những ngày tháng gian khó nhưng rực rỡ nhất, sự dấn thân và lửa nghề của các bác sĩ trẻ đã lay động hàng triệu trái tim. Một năm nhìn lại đại dịch COVID-19, bên cạnh sự đau thương, mất mát là sự hồi sinh, tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ của những bóng blouse trắng.
Trở về sau chuyến tình nguyện tham gia chống dịch COVID-19 ở TP.HCM, chưa khi nào bác sĩ Dương Minh Tuấn quên những ký ức đau thương ở nơi đây.
2h sáng, phòng làm việc của bác sĩ Dương Minh Tuấn (sinh năm 1991) tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình vẫn sáng đèn. Căn phòng rộng chừng 20m2, không gian tĩnh mịch, chỉ còn tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ nhỏ treo ở góc tường và tiếng lạch cạch gõ bàn phím máy tính. Thi thoảng anh lại đứng dạy vươn vai, vặn người sang trái, sang phải cho đỡ mỏi rồi tiếp tục ngồi xuống làm việc.
Gần 1 năm sau khi về từ “trận địa COVID-19” ở TP.HCM, hầu như chưa đêm nào Tuấn ngủ trước 2 giờ sáng. Một phần vì công việc, phần khác vì những ký ức đau thương ở TP.HCM không ngừng ùa về trong tâm trí anh.
“Ám ảnh, nước mắt, gục ngã, tử địa” là từ ngữ bác sĩ Tuấn dùng để miêu tả về mảnh ký ức những ngày TP.HCM đổ bệnh trong đợt dịch COVID-19 hồi tháng 6 năm ngoái.
Tháng 6/2021, TP.HCM nóng như một chảo lửa vì dịch bệnh tấn công vào mọi ngõ ngách dân cư và khu công nghiệp với tốc độ chóng mặt. Bộ Y tế huy động tổng lực ngành y cả nước chung sức chi viện cho TP.HCM, bảo vệ thành trì cuối cùng và trọng yếu nhất khu vực phía Nam.
Quyết định viết đơn tình nguyện xung phong vào trận địa TP.HCM chống dịch của bác sĩ Minh Tuấn khi ấy bị mẹ và gia đình ra sức ngăn cản. Mẹ không đành lòng để cậu con trai cả lao vào chốn nguy hiểm ấy.
Khi ấy, Tuấn bông đùa an ủi mẹ: "Ở trên thiên đường, bố sẽ che chở cho con. Dù con có sao thì đó là sứ mệnh của nghề nghiệp mà con theo đuổi. Mỗi chúng ta đều phải học cách cố gắng và học cả cách hy sinh vì người khác trong đại dịch SARS-CoV-2”.
Ngày anh lên đường vào Nam chống dịch, nhiều người ở Bệnh viện đa khoa Minh Hóa ra tiễn, vừa ôm vừa khóc, họ dặn nhất định phải bình yên trở về.
“Biết tôi vào TP.HCM chống dịch, một số bệnh nhân ở Minh Hóa còn góp tiền, gửi vào số tài khoản của tôi 5 triệu với lời nhắn nhủ: "Chống dịch vất vả phải ăn nhiều, bác sĩ nhớ dùng tiền này để mua cơm nhé”. Chiếc "phong bì" này không đơn thuần chỉ là tiền mà chứa đựng trong đó là tình yêu và sự quan tâm của các bệnh nhân dành cho tôi”, kể tới đây mắt Tuấn ánh lên sự ấm áp.
Ngồi trên chuyến xe từ sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM về bệnh viện dã chiến để nhận nhiệm vụ, nhìn qua cửa kính, mọi thứ khiến Tuấn ngạc nhiên. Không khí ảm đảm, tĩnh mịch bao chùm lấy thành phố. Bốn bề vắng lặng đến rợn người, thi thoảng từ đâu vọng lại tiếng mèo kêu, tiếng chó sủa và tiếng còi xe cứu thương rú inh ỏi khiến chàng bác sĩ trẻ gốc Hà Nội thấy ám ảnh và có chút rợn người.
Thành phố lúc này khác hoàn toàn với những mảnh ký ức trước đó của anh, không còn là nơi náo nhiệt, hoa lệ, rộn ràng âm thanh của sự sống. Khung cảnh ấy khiến Tuấn liên tưởng tới bộ phim Zombie kể về những “thành phố chết” do dịch bệnh.
Bệnh viện dã chiến số 16 nơi Tuấn làm việc có số lượng bệnh nhân trực tiếp điều trị luôn trong khoảng 5.000 – 7.000 và nhiều y bác sĩ bị phơi nhiễm COVID-19. Mọi người đều vừa lo lắng, vừa gồng mình làm việc bất kể ngày đêm.
Các bác sĩ hiểu rằng chỉ cần sơ suất nhỏ, nếu không may bị phơi nhiễm thì đều có nguy cơ phải “bỏ mạng nơi tử địa” này.
Mỗi ngày, Tuấn làm việc liên tục hơn 12 - 15 tiếng trong bộ đồ bảo hộ chật ních so với số cân nặng của cơ thể. Thời tiết Sài Gòn nắng nóng, mồ hôi trong người túa ra đua nhau chảy từ đầu xuống đến chân, lúc nào anh ướt sũng như mới đi tắm biển về. Những khi như vậy, thay vì than mệt, anh lại kể chuyện, tạo dáng pha trò cười cho đồng nghiệp xem để xua tan đi sự mệt mỏi và nỗi sợ.
Hàng ngày, Tuấn vừa theo dõi các diễn biến lâm sàng, vừa tắm rửa, dọn vệ sinh cho bệnh nhân như những người thân thật sự của họ.
Dù công việc có phần căng thẳng nhưng Tuấn luôn giữ được năng lượng tích cực vui vẻ và tràn đầy năng lượng. "Vất vả thế này mà tôi tăng cân đấy, vì có quá nhiều người yêu quý tôi trên facebook gửi đồ ăn đến đây cho mỗi ngày", bác sĩ Tuấn – kiêm KOL chuyên về các giải pháp tự điều trị COVID-19 tại nhà chia sẻ.
Đối mặt với “giặc COVID-19” ngoài những phút nghẹt thở đặt ống thở, hô hấp giành sự sống cho các bệnh nhân nặng, khoảnh khắc Tuấn sợ hãi nhất là mỗi tuần khi nhận kết quả xét nghiệm PCR của bản thân. Khi ấy anh đều thầm cầu nguyện bản thân bình an, không dính để còn tiếp tục được cống hiến, tham gia vào công cuộc đánh thắng con virus.
“Hằng ngày, dù mệt đến mấy, tôi cũng phải viết vài dòng trạng thái lên facebook với nội dung tươi cười, lạc quan. Nếu không thấy tôi viết facebook, mẹ sẽ nghĩ tôi bị nhiễm COVID-19 rồi”.
Tuấn kể, trong các cuộc trò chuyện mỗi ngày, mẹ con thi thoảng sẽ nói với nhau về cái chết. Mỗi lần mẹ dặn làm việc cẩn thận và phải báo tin hàng ngày để mọi người ở nhà yên tâm, anh lại trêu: “Con bị thừa cân, nên chẳng may mà mắc COVID-19 sẽ dễ bị biến chứng lắm”.
Mỗi ngày, Bệnh viện dã chiến số 16 luôn hoạt động hết công suất, cảm giác giống khu chờ ở sân bay, cứ chuyến bay này vừa cất cánh thì chuyến bay khác lại thế chỗ, liên tục, liên tục.
“Nhiều khi tôi và đồng nghiệp không còn ý niệm về thời gian. Ăn uống cũng thất thường, khi đỡ việc thì luân phiên nhau trông chừng bệnh nhân để đi ăn tạm gì đó cho qua bữa. Có khi ăn sáng vào lúc 10h và đó là bữa ăn duy nhất trong ngày. Ngủ thì chỉ tầm 4 tiếng mỗi ngày”, bác sĩ Tuấn cười.
“Có những bệnh nhân vào cả nhà bị nhiễm nCoV, rồi cả nhà không qua khỏi, tới khi bệnh nhân tử vong cũng không biết gọi cho ai vì người thân đều qua đời. Khi nhìn bệnh nhân chết, các bác sĩ rất day dứt vì không biết mình đã cố gắng hết mức hay chưa, tình trạng bệnh còn khả năng cứu chữa hay không. Đôi khi, tôi và các bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến số 16 cảm thấy bất lực vì số lượng bác sĩ hạn chế so với số bệnh nhân nhập viện cũng như trở nặng mỗi ngày”, Tuấn nhớ lại đoạn ký ức đau thương.
Anh nhớ nhất là vợ chồng ông Giàng và bà Xuyến, cùng 79 tuổi, có kết quả dương tính SARS- CoV-2, nhập viện hồi đầu tháng 8/2021.
Bệnh tình của ông Giàng có phần nặng hơn nên các bác sĩ dự tính chuyển ông lên tuyến trên. Bà Xuyến đòi đi theo, trong khi tuyến trên lại chỉ còn chỗ cho 1 người. Sau một hồi giải thích bà mới đồng ý ở lại.
“Nói là nặng hơn thôi chứ ông đi lại cười nói khoẻ lắm, thi thoảng thấy hơi hụt hơi, spO2 tụt xuống dưới 93% chút nhưng nghỉ tí là lại bình thường. Ấy vậy mà chỉ một giờ đồng hồ sau, ông Giàng suy hô hấp nặng hơn, thông khí nằm sấp, thở oxy qua mask không cải thiện.
Sau khi đưa ông lên tuyến trên được chừng 3 tiếng, điện thoại của tôi bỗng rung lên, tin nhắn của điều dưỡng Lành: “Ông Giàng mới qua đời rồi anh ạ! Diễn biến nhanh quá”. Đọc tin nhắn, tay tôi run lên, lúng túng không biết phải làm sao tiếp theo. Tôi sốc và ngồi gục xuống chân tường. Sau 30 phút định thần, tôi tự động viên bản thân vẫn phải nén lại nỗi buồn để tiếp tục quay lại công việc với các bệnh nhân khác”, Tuấn kể.
Cũng trong buổi chiều hôm đó, bà Xuyến bắt đầu suy hô hấp nặng hơn. Bà kêu khó thở, spO2 tụt, nhịp thở nhanh và nông như cái máy may gõ nhịp, cần chuyển lên tuyến trên gấp. Bà chưa biết chồng mình đã ra đi mãi mãi nên dặn bác sĩ Tuấn khoan thông báo cho ông, vì sợ ông sẽ lo lắng.
Một sự trùng hợp đau lòng, cũng 3 tiếng sau khi bà Xuyến chuyển viện, lại có tin bà đã mất. Lúc nhận được tin là 23h15 phút, Tuấn lặng người đi. Anh chỉ biết ngồi xuống chiếc ghế đá ngoài sân khu điều trị, lòng quặn thắt.
Hướng ánh mắt lên bầu trời đêm đen kịt của TP.HCM, bác sĩ Dương Minh Tuấn trầm ngâm: “Cuộc đời dài thật dài mà ngắn cũng thật ngắn. Những thời điểm đại dịch thế này, tôi càng cảm nhận mạnh mẽ hơn cái sự vô thường vốn lẽ…"
COVID-19 đã cướp đi sự sống của hàng trăm nghìn người, đau thương nhất là những người phải ra đi trong sự đơn độc không người thân, không lời trăn trối.
“Trận chiến qua đi nhưng cho đến giờ, những ký ức đó vẫn đeo bám lấy tôi. Có lẽ những đau thương đó lớn hơn cả cuộc đời tôi cộng lại. Tôi đã học hỏi nhiều kinh nghiệm chuyên môn từ những khó khăn thiếu thốn, thấu hiểu nhiều hơn trước sự sống và cái chết, về tình người, tình đồng đội, về sự hy sinh. Tôi cũng đã thêm nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ tốt đẹp”.
Đợt tình nguyện của Tuấn ở TP.HCM kéo dài hơn 3 tháng, sau đó dịch COVID-19 dần được kiểm soát, các đoàn bác sĩ tình nguyện dần rút quân về. Ngày về, Tuấn và đồng nghiệp trong bệnh viện dã chiến trao nhau lời hẹn gặp lại khi “Sài Gòn khoẻ mạnh”, nhất định sẽ nhậu một bữa tưng bừng.