Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại biểu Quốc hội: Nhà ở xã hội nơi không ai ở, nơi thì quá đông

(VTC News) -

ĐBQH Lê Thanh Hoàn đánh giá, việc thực hiện nhà ở xã hội còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu, có địa điểm nhà ở xã hội không ai tham gia, nơi lại quá đông.

Sáng 27/5, tại buổi thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị mở rộng phạm vi giám sát việc triển khai chính sách nhà ở xã hội bắt đầu từ 2006 khi Luật Nhà ở có hiệu lực. 

Theo ông, chính sách nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trước năm 1992, Nhà nước thực hiện phân phối nhà cho cán bộ, công nhân viên nhà nước. Đến năm 1991, chính sách bao cấp nhà ở đã bị xóa bỏ. 

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu sáng 27/5.

Khái niệm nhà ở xã hội mới xuất hiện năm 2005 khi có Luật Nhà ở. Tiếp đến, Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2014 tiếp tục kế thừa chính sách về nhà ở xã hội. Theo đó, Nhà nước ban hành các cơ chế hỗ trợ về miễn giảm thuế, tiền thuê, sử dụng đất, ưu đãi lãi suất...

Tuy nhiên, ông Hoàn cũng cho rằng: "Việc thực hiện nhà ở xã hội, thực tế còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu và yêu cầu đề ra. Có địa điểm nhà ở xã hội không ai tham gia, nơi lại quá đông. Cách xác định đối tượng mua nhà ở xã hội cũng còn nhiều tranh luận khác nhau".

Để phát triển nhà ở xã hội đạt yêu cầu, cần định hình rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách.

Đại biểu Thanh Hoá đề nghị phạm vi giám sát cần toàn diện, có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở, thời gian giám sát cần bắt đầu từ năm 2006, thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở 2005 cho đến năm 2023 để quán triệt tốt chủ trương của Đảng trong việc giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân.

"Nội dung giám sát cần tập trung làm rõ ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội, tổ chức nào cung cấp, thực trạng sử dụng nhà ở xã hội, mục tiêu, ý nghĩa của chương trình giám sát thông qua kết quả đạt được. Môi trường sống như cơ sở vật chất, cây xanh, bảo trì, bảo dưỡng nhà, môi trường xã hội như trình độ, lối sống, cơ sở hạ tầng như chợ, nơi mua sắm, khoảng cách tiếp cận nhà ở xã hội đến chỗ làm việc của người dân, khoảng cách đến các cơ sở địa phương…", ông Hoàn nêu rõ.

Các đại biểu họp tại nghị trường sáng 27/5.

Với chuyên đề giám sát về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội và chuyên đề giám sát trật tự, an toàn giao thông, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) đề nghị cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát hoạt động lập pháp.

Dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát:

Chuyên đề 1: Thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. 

Trong đó, có các dự án như dự án sân bay Long Thành, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025, dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Hà Cường

Tin mới