Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu chia sẻ về các giải pháp kiểm soát thị trường bất động sản, tránh xảy ra sốt đất.
Thực tế từ đầu năm đến nay, tình trạng sốt đất diễn ra ở nhiều địa phương, chủ yếu là ăn theo các thông tin quy hoạch hạ tầng, mở rộng không gian đô thị.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban đã cảnh báo tình trạng “sốt đất” trong báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Tuy nhiên, do các cơ quan chưa đi giám sát nên chưa có thông tin cụ thể.
Ông nhìn nhận “sốt đất” xảy ra do nhiều nguyên nhân. Việc điều chỉnh quy hoạch ở các địa phương, theo ông Thanh, cũng là một nguyên nhân gây sốt đất. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do tác động của đại dịch COVID-19.
Một lượng tiền lớn đang được đầu tư vào bất động sản. Ảnh: Chí Hùng.
“Do COVID-19, doanh nghiệp không đầu tư vào đâu được, cũng không sản xuất được khiến dòng tiền đầu tư không hiệu quả, vì thế người ta phải chuyển kênh nào đó, mà chủ yếu là đổ vào chứng khoán, bất động sản”, ông Thanh phân tích và cho rằng đây là rủi ro.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề cập nguyên nhân sốt đất chủ yếu do “cò đất” tung tin và thổi giá, thậm chí nhiều trường hợp là lừa đảo. Ông nhấn mạnh tình trạng “bong bóng bất động sản” này rất nguy hiểm, tác động đến an toàn tài chính và có nguy cơ gây nợ xấu.
Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) thẳng thắn nhìn nhận “sốt đất” chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ, còn về tổng thể xã hội thì gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm.
Ông cho rằng một số người đầu cơ, trục lợi từ thị trường bất động sản, có thể đã “thổi giá” đất tại nhiều khu vực. Từ đó, nhiều người khác bị hấp dẫn, cuốn theo “cơn lốc” đầu tư. Hệ lụy là nhiều người đã thua lỗ, vỡ nợ, bị chôn vốn, không thể thoái vốn khỏi các dự án được.
Nhìn tổng thể cả nền kinh tế thì một lượng lớn tiền đổ vào bất động sản, mua đi - bán lại đang làm lãng phí nguồn lực phát triển. Ông cho rằng nếu lượng vốn đó đầu tư cho phát triển sẽ tạo ra giá trị gia tăng rất lớn. Trong khi đó, đất nước lại không thu được quá nhiều thuế từ hoạt động đầu cơ đất, mua đi - bán lại.
“Sốt đất chỉ mang lại nguồn thu cho một số nhóm người nhỏ, còn cả đất nước thì không”, ông nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết trong báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Ủy ban Kinh tế nêu một số vấn đề cần quan tâm và đề nghị Chính phủ có đánh giá sâu hơn.
Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế nêu ý kiến lo ngại về việc dòng tiền trong nền kinh tế có dấu hiệu không chảy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà tập trung vào các hoạt động mang tính đầu cơ.
Vì vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về công tác quản lý thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Đồng thời, đề nghị quan tâm quản lý việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cao, đang là kênh đầu tư mới, thu hút nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn dịch COVID-19 nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nêu ra 2 giải pháp để kiểm soát “sốt đất”.
Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường. (Ảnh: Thuận Thắng).
Thứ nhất, ông cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần phải minh bạch thông tin đất đai về quy hoạch, xây dựng các dự án, quỹ đất... Khi thông tin công khai, đầy đủ và kip thời sẽ giúp tránh được tình trạng người dân bị thông tin không chính thức dẫn dắt.
“Người đầu cơ, người tạo ra tin đồn rất nhanh tay mua và bán cho người khác với giá cao. Người mua sau do thông tin thiếu minh bạch đã mua đất đã giá cao và khó thoát ra được. Do đó, lợi ích chỉ chuyển từ một số nhóm người này sang một số nhóm người khác. Thiệt hại về tiền chuyển từ người này sang người khác. Nếu chúng ta không thông tin một cách đầy đủ thì nhiều người dân sẽ bị cuốn theo và làm lợi cho một số người”, ông Cường nói.
Thứ hai, ông cũng mong muốn cần sớm có chính sách hiệu quả để xử lý dứt điểm tình trạng đầu cơ, thổi giá đất.
Ông phân tích, tại nhiều khu vực, các mảnh đất gia tăng lợi thế địa tô do được Nhà nước đầu tư về hạ tầng, thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Do đó, bản chất của việc gia tăng giá trị của đất khu vực đó là do Nhà nước, nên Nhà nước phải thu hồi chênh lệch lợi thế địa tô.
Ông dẫn ví dụ ở một số nước định ra mức thuế cao để điều tiết giá trị gia tăng thêm của các khu đất. Do đó, Việt Nam nên nghiên cứu ban hành một loại thế đánh vào việc thay đổi giá trị của đất do lợi thế địa tô.
“Cần đánh thuế thật mạnh để kiểm soát sốt đất. Chúng ta tạo ra một chính sách thuế tốt để làm sao người mua hay đầu cơ sẽ không hưởng lợi từ việc đó, thay vì thả nổi như hiện nay mới xử lý được vấn đề”, ông nói.