Theo tờ trình đồ án của Ban cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.
Tại phường Cự Khối (Long Biên, Hà Nội), 1 mảnh đất trong ngõ rộng 3m hiện được chủ nhà chào bán với giá 55 triệu đồng/m2, trong khi trước đó, giá đất tại khu vực này chỉ dao động 40 - 45 triệu đồng/m2.
Anh Tuấn (một môi giới nhà đất khu vực Long Biên) cho biết, khi chưa có thông tin quy hoạch sông Hồng, giá đất tại khu vực này chỉ 40 triệu đồng/m2 ngõ ô tô, nhưng từ khi có quy hoạch, các chủ nhà đều đồng loạt tăng từ 5 - 15 triệu đồng/m2.
Đất phường Ngọc Thuỵ tăng nhờ thông tin quy hoạch sông Hồng.
“Nếu có quy hoạch sông Hồng, đây là những khu vực sầm uất, nhiều tiềm năng phát triển. Vì thế, giá đất sẽ tăng gấp đôi trong thời gian tới, chị không mua thời điểm này, ít nữa cũng không thể mua được”, anh Tuấn cho hay.
Theo khảo sát, tại phường Cự Khối, khu vực ven sông Hồng, giá đất sau 1 tuần đã tăng từ 20 - 25%.
Tương tự, tại khu vực thôn Xuân Canh (xã Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội), giá đất 1 tuần trở lại cũng tăng mạnh. Có những khu vực, cách đây 1 tuần, giá đất chỉ 15 - 16 triệu đồng/m2, thì nay được chào tăng gấp đôi.
Một lô đất 200m2 tại thôn Xuân Canh, xã Xuân Canh cách đây 1 tuần được môi giới chào bán với giá 38 triệu đồng/m2, lô đất này nằm ở ngõ 7m, cách đây 1 tuần, theo môi giới chủ nhà chỉ chào bán 20 triệu đồng/m2, nhưng đến nay đã tăng lên 38 triệu đồng/m2.
“Em vừa bán 1 lô đất 50m2 xã Vân Canh giá 30 triệu đồng, vừa mua xong đã có khách cọc với giá 33 triệu đồng/m2. Chị mua bây giờ còn rẻ, sau quy hoạch xong xuôi thì giá gấp đôi là bình thường”, môi giới tên Huân nói.
Tại khu vực quận Long Biên (Hà Nội), giá đất cũng tăng lên rõ rêt, từ 3 - 5 triệu đồng/m2. Đơn cử, khu vực phố Thạch Cầu có giá từ 30 - 40 triệu đồng/m2, khu vực phường Ngọc Thuỵ, mức giá cũng dao động từ 30 - 50 triệu đồng/m2 đối với khu vực ngõ 2 -3 m và 100 - 120 triệu đồng/m2 nhà mặt đường.
Tại quận Hoàng Mai, giá đất có mức tăng từ 5 - 10 triệu đồng/m2. Tại khu vực đường Thuý Lĩnh, những lô đất có vị trí đẹp, đường ô tô trước đây được giao dịch khoảng 30 - 35 triệu đồng/m2 thì nay cũng tăng lên 45-50 trệu đồng/m2.
Nhận định về hiện tượng tăng giá này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Nếu quy hoạch chỉ ở chủ trương, bản vẽ thì mức độ tăng rơi vào khoảng 3-5% là hợp lý.
Trong khi Đông Anh về bản chất đầu tư chưa có gì nhiều ngoài hai trục đường Nhật Tân và đường quốc lộ 5 kéo dài, các dự án vẫn nằm trong giai đoạn xây dựng đề án, quy hoạch, do đó, nếu tăng cao quá sẽ là con dao hai lưỡi tạo sự cản trở phát triển.
Giá đất sẽ tăng làm tăng chi phí đầu tư để phát triển hạ tầng dự án khu vực này, làm cho các nhà đầu tư càm thấy không hiệu quả và phải rút lui chủ trương đầu tư. Đây là một trong vấn đề mà nhiều địa phương đã từng phải dùng mệnh lệnh hành chính như ở Vân Đồn, Phú Quốc phải dùng mệnh lệnh vi hiến để xử lý về hiện tượng tăng giá đất.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), hiện có 2 xu hướng đầu tư ở hai bờ sông Hồng. Thứ nhất là đầu tư “lướt sóng”, thứ hai là đầu cơ đất để chờ đền bù.
Trên thực thế, 2 xu hướng đầu tư này đã hình thành từ khá sớm. Thậm chí, vào thời điểm 2008 - 2010, xu hướng đầu tư đất nông nghiệp ven sông Hồng còn bùng nổ trên diện rộng. Sở dĩ, khu vực 2 bên bờ sông Hồng, thu hút nhà đầu tư cá nhân, là do khu vực này giá đất tương đối rẻ.
Tuy nhiên, trong trường hợp Hà Nội phê duyệt bản quy hoạch mới, nhà đầu tư cá nhân rót vốn khu vực này rất dễ mất trắng nếu dính quy hoạch.