Sáng 18/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn sửa đổi. Theo đó, việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn được cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án.
Phương án một là Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Phương án hai là xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%.
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận). (Ảnh: Quochoi.vn).
Phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nghiêng về phương án 2 nhưng đề nghị ban soạn thảo bám sát tinh thần của Nghị quyết số 18 của Trung ương là "sửa đổi cơ chế quản lý tài chính, nguồn kinh phí công đoàn bảo đảm quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả".
Ông đề xuất không quy định cứng công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phân phối 75% và công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%.
"Nên quy định theo hướng tối thiểu 75% và tối đa 25% để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn", đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.
Mặc dù ủng hộ phương án 2, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng không nên quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như dự thảo, mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ "tối thiểu" và tỷ lệ "tối đa".
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). (Ảnh: Quochoi.vn).
Bà Nga nhận định, quy định theo hướng tối thiểu và tối đa sẽ tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động.
Vẫn theo nữ đại biểu đoàn Hải Dương, dự thảo quy định "ở doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn".
Bà Nga cho rằng quy định như trên chưa rõ, số tiền còn lại sau khi phân phối cho tổ chức của người lao động thì sẽ được tiếp tục phân phối, sử dụng thế nào. Bà đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ và bổ sung thêm.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) lại chọn phương án giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn. Điều này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài chính công đoàn minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh được thất thoát, lãng phí; khắc phục tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của công đoàn.
Ông đề nghị nêu rõ trong dự luật là thống nhất quản lý Nhà nước về thu, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, gồm cả kinh phí và đoàn phí công đoàn. Tổng Liên đoàn sẽ hướng dẫn thực hiện.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, về quản lý tài chính, sau khi ban hành Luật Công đoàn 2012, Chính phủ có quy định số 41, quy định cụ thể về tài chính công đoàn, trong đó có từng danh mục các khoản chi.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang (Ảnh: Quochoi.vn).
“Chúng tôi cũng thực hiện đúng quy định về các khoản chi giống như các cơ quan Trung ương khác đã được khoán chi”, ông Khang nói.
Về công khai tài chính, ông Khang cho biết thêm, đơn vị đã thực hiện theo đúng quy định hiện hành và được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra 2 năm/lần trên cơ sở kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước và kết quả kiểm toán cũng được báo cáo công khai.
“Ngoài ra chúng tôi còn chịu sự thanh tra, giám sát của các cơ quan có liên quan như Thanh tra Chính phủ và chúng tôi cũng phải công khai tài chính của công đoàn. Về những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xin được tiếp thu và sẽ có sự điều chỉnh phù hợp”, ông Khang nói.
Tại tờ trình dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trong các nguồn thu cho tổ chức này hoạt động, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng chiếm 57-64%, đoàn phí do người lao động đóng 25-27%, nguồn thu khác 11-16% và ngân sách Nhà nước khoảng 1%.
Báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết giai đoạn 2013-2019, khoảng 81,5% nguồn kinh phí tại cấp công đoàn cơ sở chủ yếu để chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động; còn lại chi cho lương, phụ cấp và quản lý hành chính.
Tuy nhiên theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công năm 2019 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 là hơn 20.200 tỷ đồng nhưng chỉ 46% được sử dụng chăm lo trực tiếp cho người lao động.