Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, chiều 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Video: Đại biểu Nguyễn Việt Nga nêu ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi)
Phát biểu thảo luận tại hội trường về đề xuất để Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu ý kiến, việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một quy định có mục đích rất nhân văn, góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Việt Nga nêu ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi). (Ảnh: Quochoi.vn).
Tuy nhiên, với phương án này cho phép “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ thể quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê”. Như vậy, đối tượng được thuê nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động đầu tư thu hẹp hơn so với các đối tượng tại điều 76 dự thảo.
"Theo tôi, nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn đầu tư, bởi vì khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, thì nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác thuộc điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng “công nhân, người lao động”, bà Nga phân tích.
Vì vậy, theo bà Nga, để đảm bảo đúng mục đích, nhiệm vụ hoạt động của Tổng liên đoàn Lao động nhưng vẫn khai thác tối đa hiệu quả đầu tư nhà ở xã hội, chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”.
Bên cạnh đó, quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (khoản 4 Điều 80) đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Quochoi.vn).
Do đó, UBTVQH báo cáo hai phương án:
Phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.
Phương án 2: Chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật.
Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
"Đa số ý kiến UBTVQH tán thành phương án 1", ông Tùng thông tin.