Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đại biểu Quốc hội: Cần có cơ chế quản lý để bác sĩ không vướng vòng lao lý

(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội cho rằng ần có cơ chế quản lý để bác sĩ không vướng vòng lao lý, không phải làm những công việc họ không được làm và không phải làm.

Ngày 8/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) cho biết, trong suốt 2 năm quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, hàng vạn bác sĩ không quản khó khăn, gian khổ, cống hiến để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, điều đáng tiếc là thời gian qua, có những cán bộ quản lý ngành y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị truy tố hình sự.

"Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được gọi là tinh hoa của đất nước. Trong một xã hội được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng là thầy mà vi phạm pháp luật thì đó là một hiện tượng rất đáng lo ngại. Xét ở góc độ cả về pháp luật hay đạo đức xã hội đều đáng lên án" - đại biểu đoàn Đồng Nai nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Công Long phát biểu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Từ đó, đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật, về những yếu kém của ngành y tế, quản lý điều hành hệ thống y tế hiện nay.

Đại biểu này trăn trở, liệu những vi phạm của bác sĩ trong điều hành ở cơ sở y tế công lập có phải từ bất cập trong hệ thống pháp luật. Bởi ngoài vấn đề chịu trách nhiệm chuyên môn, giám đốc bệnh viện còn phải chịu nhiều trách nhiệm khác liên quan đến hoạt động từ các ca mổ, cấp cứu cho bệnh nhân, mua sắm sinh phẩm cho đến cả vấn đề gửi xe, túi rác...

"Để đáp ứng được những yêu cầu đó, chỉ có những bác sĩ có kỹ năng, trình độ đặc biệt thì mới thực hiện toàn mỹ" - đại biểu này nói.

Theo ông Long, một số mô hình ở các quốc gia phát triển, các bác sĩ giữ cương vị quản lý sẽ chỉ đạo chung dựa trên yêu cầu thực tiễn, còn nhiệm vụ cung ứng các vật tư y tế lại do một bộ phận khác đảm nhận.

"Phải chăng cơ chế quản lý của chúng chưa phù hợp, thiếu sự phân định trách nhiệm, tổ chức thực hiện, đòi hỏi quá cao về người giữ nhiệm vụ quản lý từ đó dễ dẫn đến những sai phạm", đại biểu này nói.

Từ đó, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị, ngoài việc xử lý nghiêm các sai phạm gần đây thì phải hoàn thiện hành lang pháp lý, đồng thời ngăn ngừa vi phạm tiêu cực trong ngành y tế.

“Như vậy sẽ giúp các bác sĩ không vướng vào vòng lao lý, không phải làm những công việc họ không được làm và không phải làm”, ông Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) chỉ ra một số bất cập trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua như điều kiện thiếu thốn, khó khăn, quá tải ở nơi cách ly tập trung, thu dung, điều trị người mắc COVID-19, trong khi khách sạn, cơ sở lưu trú lại không được sử dụng. Hay như việc cơ sở y tế tư nhân gần như đứng ngoài cuộc, trong khi y tế công lập quá sức.

Đại biểu đoàn Quảng Trị đề nghị rà soát, xem xét lại cơ chế chính sách để tận dụng tốt hơn nguồn lực sẵn có, phát huy tốt vai trò chủ động, sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh. Chính phủ cần rà soát, ban hành quy định kịp thời thống nhất, luật hóa các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ xã hội.

Ngoài ra, người dân cần được tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ các biện pháp cụ thể, có tính chuyên môn và ràng buộc pháp lý khi tham gia phòng, chống dịch như điều trị, cách ly tại gia đình, khu tập trung.

Quang Tuyền - Xuân Trường

Tin mới