Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, sáng 2/11, các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Đánh giá cao việc dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bổ sung một số quy định mới để bảo vệ người tiêu dùng yếu thế, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội) nhận xét, dự thảo luật đưa ra khái niệm về người tiêu dùng dễ bị tổn thương bao gồm: “Người cao tuổi theo quy định pháp luật người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em theo quy định pháp luật trẻ em"…
Do vậy, đại biểu Thi đề nghị: “Cần đặc biệt quan tâm bảo vệ nhân phẩm, quyền của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, đặc biệt, các chế tài xử lý phải đủ sức răn đe, đủ mạnh để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng, nhất là người yếu thế, người già, trẻ em, người khuyết tật”.
Đại biểu Tạ Đình Thi nêu quan điểm: "Các chế tài xử lý phải đủ sức răn đe, đủ mạnh để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng, nhất là người yếu thế, người già, trẻ em, người khuyết tật".
Liên quan đến việc thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo rõ ràng, công khai, bằng hình thức phù hợp với người tiêu dùng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng trước khi thực hiện và phải được người tiêu dùng đồng ý, Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu quan điểm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu xoay quanh 3 đối tượng là người tiêu dùng, người sản xuất và người phân phối. Tuy nhiên, các quy định về trách nhiệm, quyền hạn xử lý chưa sâu, chưa rõ, nên luật khó đi vào cuộc sống.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về quyền được tư vấn của người tiêu dùng, nhất là người cao tuổi, người yếu thế, người dễ bị tổn thương. Quy định rõ trách nhiệm của người sản xuất và phân phối hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời cần có quy định về vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ban mặt trận của tổ dân phố trong việc tham gia bảo vệ người tiêu dùng…
“Hệ thống pháp luật thương mại và dân sự hiện hành đã có đầy đủ quy định để bảo vệ các bên trong quá trình thực hiện giao dịch. Đồng thời, khi xảy ra tranh chấp trong giao dịch mua bán, các tổ chức sẽ ưu tiên sử dụng phương thức hòa giải hoặc trọng tài nhằm bảo vệ bí mật thông tin trong quá trình xử lý”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Đại biểu Trương Xuân Cừ đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Đáng chú ý, nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, sử dụng thông tin người tiêu dùng phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép trong việc: Chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho bên thứ ba; Sử dụng thông tin của họ để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa và các hoạt động có tính thương mại khác…
Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội) nhận xét, pháp luật chưa có tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 17 về hành vi cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh từ chối nhận lại hàng hóa, hoặc yêu cầu thanh toán chi phí đối với trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt hợp đồng theo khoản 4, Điều 39 của dự thảo luật. Người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo khoản 2, Điều 14 của dự thảo luật, nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, là cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.
Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, dự thảo luật bổ sung một chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội) nhấn mạnh, khái niệm “người tiêu dùng” quy định trong luật chưa rõ, chưa phù hợp với điều kiện hiện tại, nhất là với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Người tiêu dùng trong hình thức giao dịch truyền thống có nhiều khác biệt với giao dịch mới như giao dịch trên nền tảng số, giao dịch trên Internet, vì vậy cần sửa đổi cho phù hợp hơn.
Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Theo đại biểu, hình thức kinh doanh online đem đến một số rủi ro cho người tiêu dùng, cụ thể như: người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, hàng bị giao chậm, hàng hóa không đúng với nội dung đã được quảng cáo. Khi bị phát hiện hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thì né tránh trách nhiệm bằng cách khoá hoặc gỡ bỏ tài khoản bán hàng trên mạng Intenet, gây nhiều khó khăn trong việc liên lạc với người bán, làm kéo dài thời gian giải quyết các khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
“Quyền lợi người tiêu dùng được coi là linh hồn của luật, nếu không giải thích rõ ràng sẽ không thể áp dụng, không đảm bảo tính khả thi, nhất là các quy định về tư pháp để bảo vệ người tiêu dùng. Chỉ khi xác định được khái niệm quyền lợi người tiêu dùng thì mới đảm bảo tính khả thi, đề nghị ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung phù hợp”, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nêu ý kiến.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Qua 12 năm thực thi, các quy định tại Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện hành đã bộc lộ một số điểm hạn chế liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật; sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới; cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khắc phục những hạn chế, bất cập đặt ra trong thực tiễn.
Thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 8 năm 2022, Chính phủ đã có Tờ trình số 347 ngày 26/9/2022 trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Chiều 25/10/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng, đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).